Theo ông Cao Tiến Dũng, sau ngày 20/9, các doanh nghiệp vẫn hoạt động theo các phương án như “3 tại chỗ”, “1 cung đường, 2 điểm đến” hoặc kết hợp linh động cả hai phương án. Tỉnh Đồng Nai cho phép doanh nghiệp hoán đổi người làm việc trên nguyên tắc không có F0 trong vòng 14 ngày và người được đổi phải từ “vùng xanh”.

Những doanh nghiệp nào trước đây dừng hoạt động, sau ngày 20/9 muốn hoạt động lại vẫn dựa trên nguyên tắc đảm bảo chống dịch, thực hiện theo các phương án trên. Ông Dũng khẳng định, doanh nghiệp phải tự xây dựng kế hoạch hoạt động và tự bảo vệ chính bản thân doanh nghiệp chứ không phải áp đặt từ cơ quan Nhà nước xuống. Nếu cứ muốn cho được, bất chấp mọi việc mà xuất hiện ca mắc Covid-19 thì buộc doanh nghiệp phải dừng hoạt động, thực hiện theo quy trình kiểm soát dịch của ngành y tế.

Đối với việc khoanh nhỏ lại các “vùng đỏ”, mở rộng “vùng xanh”, ông Dũng cho biết tỉnh xây dựng 4 khung áp dụng tùy từng mức độ như Chỉ thị 15, Chỉ thị 16, Chỉ thị 19 và “bình thường mới”. Từng địa phương căn cứ tình hình dịch bệnh để xây dựng kế hoạch cho địa phương mình. Lãnh đạo tỉnh có tính toán đến việc thu hẹp lại các vùng kiểm soát đến cấp khu phố, ấp, nhưng vẫn phải đảm bảo nguyên tắc phòng dịch là tối thượng.

Trong bối cảnh một số địa phương lân cận với tỉnh Đồng Nai đang áp dụng thí điểm “thẻ xanh”, “thẻ vàng” để mở dần lại các hoạt động kinh tế, ông Dũng cho rằng công cuộc chống dịch hiện nay là lần đầu thực hiện, mọi việc đều phải vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, tính toán giải pháp phù hợp với từng địa phương.

“Tôi hết sức tôn trọng “phát minh” của các địa phương, nhưng đối với Đồng Nai vẫn quản lý theo cách chung nhất là thông thương theo thẻ luồng xanh thì vẫn cứ làm như thế. Chuyện của riêng Đồng Nai chúng tôi chưa hề nói gì đến ‘thẻ xanh’, ‘thẻ vàng’”, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết thêm./.