Theo kế hoạch của Sở GTVT Thành phố Hà Nội, từ ngày 27/7, bến xe Lương Yên sẽ chính thức ngừng hoạt động. Sẽ có 38 tuyến xe của 52 doanh nghiệp vận tải hành khách đang khai thác tại bến Lương Yên được điều chuyển về 3 bến xe Nước Ngầm, Gia Lâm và Yên Nghĩa.

Theo đó, tần suất tiếp nhận tại bến xe Nước Ngầm sẽ là 162 lượt xe/ngày; bến xe Gia Lâm tiếp nhận 133 lượt xe/ngày và bến xe Yên Nghĩa tiếp nhận 51 lượt xe/ngày từ bến xe Lương Yên chuyển sang.

bnn_jfvk.jpg
Bến xe Nước Ngầm ưu tiên cho những đơn vị vận tải mới chuyển về xếp xe ngay trước cửa kiểm soát vé. 

Hành khách ít vì lộ trình mới

Trước kế hoạch ngừng khai thác bến xe Lương Yên, đại diện một số doanh nghiệp vận tải cho rằng, chủ trương di dời bến xe Lương Yên của TP Hà Nội là hoàn toàn hợp lý. Các doanh nghiệp bày tỏ đã sẵn sàng chuyển sang 3 bến xe đã được xếp đặt theo kế hoạch của Sở GTVT TP Hà Nội.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp vận tải cũng bày tỏ lo ngại, thời gian đầu khi thay đổi lộ trình, doanh nghiệp vận tải sẽ gặp những khó khăn nhất định, nhất là khi phải phá vỡ thói quen của hành khách, đồng thời phải có tác động hướng hành khách về bến xe mới, khác với lộ trình đi lại trước đây.

Ông Vũ Đức Hoàng, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH vận tải Hoàng Long cho biết, ngay từ sáng 25/7, doanh nghiệp đã chuyển một số phương tiện từ bến Lương Yên về bến xe Nước Ngầm. Tuy nhiên, trong ngày đầu chuyển tuyến, lượng khách đi xe ít hơn nhiều so với khi còn hoạt động tại bến xe Lương Yên.

“Ở chiều đi, xe của công ty trả khách tại bến xe Nước Ngầm và bến xe Niệm Nghĩa, nhưng ở chiều về, dù xe của công ty đã chờ hành khách đến hơn 1 giờ nhưng cũng chỉ có khoảng hơn 10 hành khách lên xe. Lượng khách đi tuyến mới chưa nhiều có thể là do hành khách chưa quen với lộ trình mới”, ông Hoàng cho biết.

Tương tự với Công ty Hoàng Long, đại diện một doanh nghiệp vận tải chạy tuyến Nam Định – Lương Yên trước đây, nay chuyển sang bến Nước Ngầm cho biết, rất khó khăn khi phải cạnh tranh với các tuyến vận tải hành khách từ Giáp Bát, Mỹ Đình về Nam Định. Do đó, ngoài việc tiếp cận lượng hành khách mới tại bến Nước Ngầm, doanh nghiệp sẽ phải tìm cách “lôi kéo” lượng khách cũ ở bến Lương Yên về bến Nước Ngầm, như vậy doanh nghiệp mới có khả năng tồn tại.

“Hành khách đi ở bến Nước Ngầm thường là các tuyến miền Trung, miền Nam nên khi có tuyến mới về Nam Định hành khách chưa quen. Doanh nghiệp mới chuyển về nên gặp nhiều khó khăn do lượng khách ít, chưa có khả năng thuê quầy bán vé nên đang đề nghị Ban Quản lý bên xe Nước Ngầm cho phép hành khách mua vé trực tiếp tại xe, không phải kiểm soát vé”, đại diện doanh nghiệp đề xuất.

Một số đơn vị vận tải cũng kiến nghị, do mới chuyển tuyến nên nhà xe muốn sử dụng những vé đã in trước đây từ bến Lương Yên, bởi các đơn vị chưa kịp in vé cho lộ trình điều chuyển bến mới. Khi xe xuất tại bến xe Nước Ngầm, đơn vị khai thác bến chỉ cần đóng dấu xác nhận để quản lý và báo cáo với cơ quan Nhà nước về lộ trình xe chạy.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp vận tải di chuyển từ bến xe Lương Yên về 3 bến xe mới cũng đề nghị Sở GTVT TP Hà Nội tăng cường các xe buýt chạy qua hoặc vào bến hay có thêm xe trung chuyển (xe hợp đồng) để kết nối hành khách.

Tạo điều kiện tốt nhất có đơn vị chuyển tuyến

Theo đại diện các bến xe tiếp nhận tuyến vận tải chuyển về từ bến xe Lương Yên, hiện tại đã cơ bản hoàn thành công tác chuẩn bị để đón các doanh nghiệp vận tải phải di dời.

Ông Nguyễn Văn Lập, Giám đốc bến xe Nước Ngầm cho biết, mọi công tác sắp xếp vị trí sân đỗ xe, luồng tuyến, quầy bán vé đã được đơn vị khai thác bến hoàn tất và sẵn sàng đón các đơn vị vận tải chuyển đến.

“Bến xe Nước Ngầm ưu tiên cho những đơn vị mới về xếp xe ngay trước cửa kiểm soát vé để khách nhận biết nhà xe và lộ trình tuyến đồng thời tạo điều kiện cho hành khách làm quen với lịch trình mới. Đối với các tuyến không có xe cạnh tranh về tuyến chung, đơn vị khai thác bến sẽ tạo điều kiện bước đầu cho hành khách đi thẳng vào xe, nhưng sau đó phía doanh nghiệp vận tải phải tuyên truyền cho người dân vào bến mua vé để tạo thói quen đi lại”, ông Lập khẳng định.

Tại bến xe Gia Lâm, nơi sẽ tiếp nhận các tuyến vận tải từ Thái Bình và Quảng Ninh với tần suất lên tới 133 lượt xe/ngày, cùng với tần suất khai thác hiện tại của bến là 610 lượt xe/ngày sẽ nâng tần suất lên trên 700 lượt xe/ngày dẫn đến nhiều khả năng bến xe quá tải.

Ông Nguyễn Như Trúc, Giám đốc bến xe Gia Lâm cho biết sẽ tạo điều kiện thuận lợi tốt nhất cho các doanh nghiệp được điều chuyển về, nhanh chóng ổn định hoạt động, hạn chế tối đa sự cạnh tranh không lành mạnh, gây mất trật tự; bến bố trí vị trí xe đỗ xe xếp khách và quầy bán vé.

“Để giảm tải tần suất tại bến, Ban Quản lý bến xe đã làm việc với một số doanh nghiệp vận tải có tần suất xe chạy nhiều, yêu cầu điều chỉnh biểu chạy xe, quy định tối đa số lượng xe có mặt tại một thời điểm trong bến, tránh trường hợp xe về lưu đỗ quá lâu trên bến”, ông Trúc cho biết./.