Từ năm 2005, Trường Sa lớn được xây dựng theo mô hình thị trấn, là trung tâm kinh tế-xã hội đặc biệt trên quần đảo Trường Sa. UBND tỉnh Khánh Hòa và Quân chủng Hải quân quy hoạch và xây dựng làng quân nhân, làng lập nghiệp trên các xã đảo.

Giữa ngàn khơi đầy nắng và gió, 3 làng chài trên đảo Trường Sa lớn, Sinh Tồn và Song Tử Tây với hơn 20 hộ dân như minh chứng cho sự sinh tồn của xã đảo, những thế hệ công dân mới sinh ra và lớn lên tại đây là sự tiếp nối các thế hệ quân dân trong việc bảo vệ chủ quyền Tổ quốc thiêng liêng.

Trường Sa - quần đảo bão tố. Một năm trung bình có khoảng 20 cơn bão đi qua đây hoặc hình thành tại vùng biển này. Những hộ dân sống nơi đây được gọi ví von là những “tổ ấm nơi đầu sóng”. Công việc hằng ngày của các hộ dân trên đảo là làm công nhân hợp đồng cho quân đội, khai thác đánh bắt hải sản, chăn nuôi, trồng rau và cây ăn quả để tăng gia sản xuất. Mặc dù luôn phải chống chọi với thời tiết khắc nghiệt, nhưng ở các hộ gia đình trên đảo luôn đầy ắp niềm vui và tiếng cười nói. Tiếng bi-bô và ê-a học chữ của trẻ thơ đã xua tan đi những nhọc nhằn sau một ngày chài lưới, lao động mưu sinh.

tuan-tra-tren-dao.jpg

Chị Trần Thị Hoa cùng chồng là anh Nguyễn Xuân Yên vẫn còn nhớ cảm xúc đầu tiên khi 2 vợ chồng quyết định tạm chia tay họ hàng và bà con trong xóm, đưa 2 đứa con nhỏ ra lập nghiệp ở đảo Trường Sa lớn. Chị tâm sự rằng khó có thể nói hết những khó khăn khi ngày đầu ra đảo. Nhưng rồi gia đình chị cũng như các hộ dân khác đã có một chỗ dựa tinh thần để mà lạc quan bám đảo, đi lên và sinh sống, đó là nhờ sự động viên của anh em cán bộ, chiến sỹ ngoài đảo. Thời gian trôi đi thật nhanh, thấm thoát cũng đã gần được 5 năm, giờ đây khi được hỏi chị tâm sự: “Cảm giác lúc đầu ra lúc nào cũng thấy nhớ đất liền, không nghĩ mình sẽ sống mãi ở đây. Sau khoảng 1 năm thì cuộc sống quen và ổn định. Giờ thì thấy thoải mái ở đảo cũng như đất liền thôi, không muốn đi đâu nữa…”.

Làng lập nghiệp trên đảo Trường Sa lớn được quy hoạch thiết kế là một dãy nhà xây kiên cố độc lập, mặt hướng ra biển. Mỗi ngôi nhà rộng khoảng 100m2, có 3 phòng: phòng khách, phòng ngủ, phòng bếp và công trình phụ được thiết kế khép kín thuận tiện, nhà nào cũng có cổng xây, mái ngói riêng. Phía trước là khoảng vườn nhỏ để trồng rau, trồng cây ăn quả và có chuồng để chăn nuôi gà, vịt…

Đến thăm gia đình cô Bùi Thị Nhung, cô giáo từ đất liền xin ra dạy học trên đảo, cô cho biết: Căn nhà này là chính quyền đảo xây cho, cũng khang trang như ở đất liền. Những ngày đầu tiên đặt chân đến “vùng biển bão tố” này. Nói sao hết những khó khăn, nhất là chưa quen với thời tiết nắng gió ở đảo, lại thêm nhớ ông bà nội ngoại và người thân ở đất liền, cảm giác mới đầu cũng thấy buồn lắm. Nhưng sau một thời gian dạy học cho những đứa trẻ ở trên đảo, cuộc sống dần cũng quen. Hơn nữa, từ ngày có điện năng lượng mặt trời, cuộc sống được cải thiện rất nhiều. Bây giờ cô còn cảm thấy cuộc sống trên đảo thoải mái và đầy đủ không kém trong đất liền.

Cô giáo Bùi Thị Nhung nói: “Lần đầu tiên đặt chân lên đây tôi vừa thấy hồi hộp, lo lắng và có cả hạnh phúc. Hồi hộp lo lắng vì không biết cuộc sống ngoài này thế nào, mình có quen và hợp được với khí hậu hay không. Hạnh phúc vì được ra dạy học cho các cháu nhỏ trên đảo. Giờ đây tôi thực sự cảm thấy thoải mái với cuộc sống, công việc dạy học nơi đây và mong muốn được gắn bó lâu dài trên hòn đảo này…”.

Cũng như cô giáo Nhung, anh Nguyễn Văn Chung cũng là những hộ dân ra đảo đầu tiên cho biết: “Được sự quan tâm của Đảng, chính quyền, bây giờ tôi thấy cuộc sống cũng bình thường như ở đất liền. Công việc, mọi thứ đều bình thường và không có cảm giác xa cách gì. Mong muốn của gia đình là tiếp tục sinh sống lâu dài trên đảo…”.

Cuộc sống mới nảy mầm, bén rễ tươi tốt trên các xã đảo, đã có nhiều những thế hệ công dân mới được sinh ra và đang hàng ngày lớn lên tại đây, như Nguyễn Chen Sy, Nguyễn Ngọc Trường Xuân, Hồ Song Tất Minh, Chúc Nữ… Việc những em bé chào đời giữa ngàn trùng sóng nước không chỉ là qui luật sinh tồn, mà còn thể hiện sự tiếp nối cuộc sống của các thế hệ người Việt trong việc bảo vệ, giữ gìn chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Ông Đinh Văn Hải, Chủ tịch UBND Thị trấn Trường Sa khẳng định rồi đây sẽ có thêm nhiều những em bé khác ra đời, sẽ có nhiều chiến sĩ hải quân “nhí” lớn lên từ hòn đảo thân yêu này. UBND thị trấn sẽ tạo những điều kiện tốt nhất để bà con làm ăn sinh sống ổn định lâu dài trên đảo. Ông Đinh Văn Hải nói: “Trước mắt, UBND vẫn đang ký hợp đồng lao động với các hộ dân trên đảo. Để bà con tiếp tục cuộc sống phát triển ổn định, khi thời tiết tốt, chúng tôi tạo điều kiện cho bà con ra biển đánh bắt thủy hải sản và được nhiều chúng tôi sẽ thu mua theo giá thỏa thuận. Mặt khác, chúng tôi khuyến khích trồng cây ăn quả, trồng rau, chăn nuôi gia cầm để bà con có cuộc sống tốt hơn trên đảo…”.

Một mùa xuân mới đang về trên đảo tiền tiêu của Tổ quốc. Những thế hệ cán bộ, chiến sỹ và nhân dân trên quần đảo Trường Sa vẫn đang tiếp nối thế hệ cha anh đi trước, ngày đêm bám biển, vững tay súng, gìn giữ biển trời thiêng liêng của Tổ quốc, khai thác tối đa tiềm năng của một quốc gia có thế mạnh biển đảo, làm giàu cho quê hương đất nước./.