Chiều 28/3, Đoàn giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội đã làm việc với UBND TP HCM về việc thực hiện chính sách Pháp luật về Bảo hiểm Y tế giai đoạn 2009-2012.
Tính đến cuối năm 2012, TP HCM có hơn 4,6 triệu người tham gia Bảo hiểm y tế, chiếm hơn 63% dân số, tăng hơn 1 triệu người so với thời điểm trước khi Luật Bảo hiểm y tế ra đời. Tuy nhiên, độ bao phủ của chính sách Bảo hiểm y tế và nhận thức của người dân còn thấp, ngoài diện bắt buộc và hộ cận nghèo được UBND thành phố hỗ trợ mua thẻ thì chỉ có người bệnh mới tự giác mua Bảo hiệm y tế.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo TP HCM đưa ra một số đề xuất như: Không chi trả tai nạn giao thông cho đối tượng tham gia giao thông do đã có bảo hiểm tai nạn giao thông, điều chỉnh quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế về thuốc theo hướng khống chế tỷ lệ thuốc giá tiền cao căn cứ vào số năm tham gia; tăng kinh phí cho các bệnh viện đang làm nhiệm vụ là bệnh viện tuyến trên, tăng thêm biên chế cán bộ làm bảo hiểm y tế.
Bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết, bây giờ phải dùng chính sách khuyến khích làm sao để mọi người thấy việc mua bảo hiểm y tế là có lợi thì họ mua. |
Đoàn giám sát đánh giá quyết tâm cao của TP HCM trong thực hiện lộ trình Bảo hiểm y tế toàn dân. Đồng thời đề nghị thành phố cần đẩy nhanh khám chữa bệnh ở trạm y tế xã; tập trung một đầu mối trong đấu thầu thuốc và tăng cường quản lý y tế... phải làm sao để người dân thấy được lợi ích của Bảo hiểm y tế và tự nguyện tham gia.
Bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết, bây giờ phải dùng chính sách khuyến khích về mặt kinh tế, thu nhập thì tốt hơn. Gọi là chính sách bảo hiểm y tế bắt buộc nhưng có bắt buộc được đâu. Gọi là bắt buộc là vì chính sách của nhà nước chứ mọi người vẫn tự quyết định việc mua, không áp đặt được. Nên phải dùng chính sách khuyến khích, làm sao để mọi người thấy việc mua bảo hiểm y tế là có lợi thì họ mua.
“Tôi thấy hỗ trợ thêm chính sách thì thành phố mới đi được lộ trình Bảo hiểm y tế toàn dân, chứ còn cứ nói cả hệ thống chính trị vào cuộc thì không biết vào cuộc kiểu gì rồi cuối cùng phải bỏ thêm một phần ngân sách nữa để hỗ trợ người dân đi tiếp con đường này” - bà Trương Thị Mai cho biết./.