Hôm nay (15/10) tại Hà Nội, Hiệp hội doanh nghiệp của Thương binh và người khuyết tật Việt Nam tổ chức Đại hội lần thứ III (nhiệm kỳ 2015 – 2020). Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu; Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân gửi lẵng hoa chúc mừng.

thuong_binh_sarm.jpg
Thiếu tướng Trần Vinh Quang đọc diễn văn tại Đại hội

Phát biểu tại Đại hội, Thiếu tướng Trần Vinh Quang, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp của Thương binh và người khuyết tật Việt Nam khẳng định, đội ngũ thương bệnh binh, cựu chiến binh và người khuyết tật đang công tác, sản xuất, kinh doanh tại các đơn vị doanh nghiệp là hội viên Hiệp hội đã và đang phấn đấu, duy trì và phát triển; tạo nhiều công ăn việc làm, duy trì mức sống cho người lao động; góp phần xứng đáng vào các hoạt động xóa đói giảm nghèo ở các địa phương, thực hiện chính sách an sinh xã hội của Nhà nước.

Đến nay, gần 700 đơn vị hội viên vẫn đứng vững và duy trì việc làm cho hàng chục ngàn lao động là thương bệnh binh, cựu chiến binh, con em các đối tượng chính sách, người khuyết tật ở các dạng tật còn khả năng lao động. Thu nhập cao nhất của người lao động làm việc ở các doanh nghiệp thành đạt đảm bảo ở mức 3 đến 5 triệu đồng/tháng.

Thiếu tướng Trần Vinh Quang cũng thừa nhận, Hội còn gặp nhiều khó khăn như chưa xin được đất xây dựng trụ sở, do đó Hiệp hội không có nơi hoạt động ổn định, việc tìm đầu ra cho các sản phẩm của doanh nghiệp còn nan giải…

Nhiều tấm gương người khuyết tật vươn lên, đóng góp tích cực cho cộng đồng

Bên cạnh đó, điều 33 Luật Người khuyết tật quy định rất rõ quyền được ưu tiên tư vấn học nghề, quyền được đào tạo nghề và bố trí việc làm nhưng Luật chưa đi vào cuộc sống của người khuyết tật. Doanh nghiệp của thương bệnh binh và người khuyết tật khó tiếp cận vốn vay ưu đãi; đối với đề án dạy nghề cho lao động nông thôn, hầu như không có người khuyết tật tham gia…

Theo đánh giá của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Phạm Thị Hải Chuyền, là Hiệp hội duy nhất của thương binh và người khuyết tật, qua 12 năm hoạt động, Hiệp hội đã phát triển nhanh chóng. Từ 113 cơ sở hội viên ban đầu, đến nay đã có 672 cơ sở hội viên từ các tỉnh thành trên cả  nước.

Các cơ sở đã tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hàng trăm nghìn thương bệnh binh và người khuyết tật; tổ chức dạy nghề miễn phí cho hàng chục nghìn người khuyết tật. Hàng năm, nộp ngân sách nhà nước hàng trăm tỷ đồng.

Có rất nhiều thương, bệnh binh, người khuyết tật thực hiện tốt lời dạy của Bác Hồ “tàn, nhưng không phế”, đã vượt lên khó khăn để sản xuất, ổn định cuộc sống, đóng góp cho cộng đồng và xã hội, là gương sáng cho cộng đồng và xã hội noi theo./.