Theo kế hoạch, tháng 10 tới, Chính phủ sẽ chính thức công bố mức điều chỉnh lương tối thiểu vùng cho người lao động trong các loại hình doanh nghiệp từ năm 2013. Những ngày này, 2 phương án điều chỉnh lương do Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đề xuất tiếp tục nhận được nhiều ý kiến từ phía các doanh nghiệp, tựu trung là kỳ vọng tăng lương nhưng phải đảm bảo được nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và làm sao để tăng lương, nhưng không rơi vào vòng luẩn quẩn với “tăng giá”.
Theo quan điểm của Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội, phương án 1 có ưu điểm là điều chỉnh mức lương tối thiểu khu vực doanh nghiệp nhanh hơn để đến năm 2015 đạt mức nhu cầu tối thiểu. Tuy nhiên, mức điều chỉnh này sẽ làm tăng chi phí, ảnh hưởng đến khả năng chi trả của doanh nghiệp. Phương án hai được đánh giá phù hợp với tình hình thực tế sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn và việc điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng sẽ tác động ít hơn đến chi phí đầu vào của doanh nghiệp, đồng thời mức điều chỉnh tương ứng với mức điều chỉnh tiền lương tối thiểu chung.
Kể từ khi Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội đưa ra 2 phương án và yêu cầu các địa phương lấy ý kiến góp ý, đa số các doanh nghiệp nêu quan điểm đồng tình với việc điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng, coi đây là tín hiệu đáng mừng để đảm bảo đời sống cho người lao động trong bối cảnh hiện nay.
Nhiều doanh nghiệp nghiêng về phương án thứ 2, như ý kiến của bà Đặng Phương Dung, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội dệt may: “Rõ ràng khi tăng lương, chi phí cho sản xuất giá thành sẽ tăng lên (đặc biệt đối với dệt may bởi hiện nay chúng ta đang làm gia công nhiều hơn). Nếu như theo phương án 1, tăng lương 36% thì chi phí của sản phẩm dệt may tăng lên 25%. Nếu theo phương án 2, tăng lương 25% thì chi phí giá của dệt may cũng tăng lên 18%. Như vậy, sẽ dẫn đến nguy cơ phá sản hàng loạt. Vì thế các doanh nghiệp dệt may đã đề nghị nếu tăng thì chỉ nên tăng theo phương án hai là 25% và cố gắng lùi vào thời điểm năm 2014 để giúp các doanh nghiệp hiện nay vượt qua khó khăn”.
Đồng tình với đề xuất điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng vào thời điểm ngày 1/1/2013 và không nên trì hoãn hay lùi lại, nhưng ông Nguyễn Tấn Định, Phó trưởng Ban quản lý các khu công nghiệp, khu chế xuất thành phố Hồ Chí Minh–nơi có trên 1000 doanh nghiệp đang hoạt động lại cho rằng: Ngoài việc cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong giai đoạn hiện nay, thì điều chỉnh tăng lương nên theo phương án trung hòa giữa cả hai phương án mà Bộ Lao động- Thương binh- Xã hội đề xuất.
Ông Nguyễn Tấn Định lý giải: “Giờ không tăng thì không được, đời sống người lao động sẽ khó khăn và sẽ gây xáo trộn doanh nghiệp, rồi sẽ xảy ra đình. Hơn nữa, ở thành phố Hồ Chí Minh, 85% công nhân là người nhập cư. Nếu mức sống không được họ sẽ quay về quê. Đây là thảm họa cho ngành công nghiệp thành phố. Hàng loạt doanh nghiệp sẽ đóng cửa”.
Bên cạnh đó, một số ý kiến của doanh nghiệp cho rằng: Tiêu chí để phân chia vùng hiện nay còn nhiều bất cập, như phân vùng nhưng lại không phân theo ngành nghề. Hoặc trong khi một vùng có nhiều loại hình doanh nghiệp với hiệu quả lao động khác nhau, đầu ra khác nhau thì chỉ có một loại lương giống nhau là chưa thoả đáng. Đó là chưa kể việc phân vùng hiện nay mới mang tính cảm tính là chủ yếu, bởi trên thực tế, tình hình phát triển kinh tế - xã hội, thời giá, mức sống của người dân… ở từng vùng cũng khác nhau mà đến nay, vẫn chưa có số liệu điều tra cụ thể. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp quy mô nhỏ trước đây thuộc vùng 4, vùng 3, nay lên vùng 1, vùng 2.
Bởi vậy nâng lương tối thiểu theo lộ trình như hiện nay cũng chưa phải là vấn đề cơ bản mà phải giải quyết việc điều chỉnh lương tối thiểu vùng gắn liền với năng suất lao động, đồng thời chú ý đến việc sửa đổi lại thang bậc lương đối với các doanh nghiệp.
Ông Huỳnh Tấn Kiệt, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai nêu ý kiến: “Doanh nghiệp quan tâm nhất là điều chỉnh như thế nào để vừa đảm bảo được lộ trình, vừa đảm bảo được tăng năng suất lao động. Trong quá trình điều chỉnh làm sao nâng điều chỉnh tiền lương tối thiểu cũng là cơ sở để nâng thang bậc lương cho người lao động, để người lao động có thu nhập thêm. Còn thực tế hiện nay vấn đề thang bậc lương theo quy định của Bộ Lao động Thương binh- Xã hội thì doanh nghiệp điều chỉnh bình quân. Cho nên nâng lương tối thiểu nhưng đồng thời đảm bảo người lao động họ làm việc giỏi thì lương họ khá, lương họ cao, nâng bậc đáp ứng được yêu cầu”.
Theo đánh giá, lương tối thiểu hiện nay chỉ đáp ứng được khoảng 60% so với nhu cầu sống tối thiểu của người lao động. Trong bối cảnh suy thoái toàn cầu và mức trượt giá cao như hiện nay thì tăng lương như thế nào để đảm bảo cho người lao động không phải lo đối phó với điệp khúc “tăng lương- tăng giá” vẫn là bài toán khó đối với các nhà hoạch định chính sách./.