Mặc dù chưa là thời kỳ cao điểm, nhưng số ca mắc sốt huyết từ đầu năm 2013 đến nay tại 2 tỉnh Khánh Hòa và Phú Yên đã cao hơn năm ngoái từ 3-4 lần. Riêng tỉnh Khánh Hòa đã trở thành địa phương có số ca mắc sốt xuất huyết cao nhất miền Trung.

Tính đến cuối tháng 6/2013, tỉnh Khánh Hòa đã có gần 3.500 ca mắc bệnh sốt xuất huyết, trong đó 2 người đã tử vong. Ngành y tế Khánh Hòa xác định hơn 300 ổ dịch ở hầu hết các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Mặc dù chưa đến mùa cao điểm của dịch nhưng các cơ sở y tế mỗi ngày phải điều trị nội trú hàng trăm bệnh nhân gấp 2 đến gấp 3 so với số giường bệnh.

Trong khi đó, tại tỉnh Phú Yên cũng có khoảng 500 ca mắc bệnh sốt xuất huyết tăng hơn 4 lần so với cùng kỳ năm ngoái; ổ dịch đã xuất hiện tại 13 xã, phường, thị trấn. Nguyên nhân khiến số ca bệnh sốt xuất huyết tại các tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên tăng cao chính là diễn biến bất thường của thời tiết khiến dịch bệnh kéo dài.

Đặc biệt, xuất hiện cùng lúc nhiều típ virus khiến công tác phòng chống dịch bệnh gặp nhiều khó khăn. Mặt khác, thói quen trữ nước sạch để sử dụng và ý thức phòng bệnh của người dân chưa cao khiến dịch sốt xuất huyết bùng phát mạnh.

TS. Viên Quang Mai, Phó Viện trưởng Viện Pasteur Nha Trang cho biết: “Khánh Hòa là một trong những tỉnh có số ca mắc sốt xuất huyết cao nhất nhì khu vực. Các xã ở các tỉnh ven biển, vùng thiếu nước ở khu vực Nam Trung Bộ là hay chứa nước trong các lu, các thạp, mà nguồn nước sạch đó rất thuận lợi cho muỗi sốt xuất huyết phát triển”.

Hiện nay, các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa đang chuẩn bị vào giai đoạn cao điểm bùng phát sốt xuất huyết, ngành y tế đang đẩy mạnh các biện pháp tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về sốt xuất huyết.

Theo đó, các ngành, lực lượng cùng sử dụng nhiều biện pháp như phun hóa chất, dọn vệ sinh môi trường, súc rửa các vật dụng chứa nước để diệt bọ gậy. Đồng thời, tổ chức tập huấn, giám sát chuyên môn để nâng cao chất lượng điều trị để giảm thiểu số ca tử vong so sốt xuất huyết.

Bác sỹ Lâm Quang Chứng, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa cho biết: “Phương châm xử lý sốt xuất huyết là khi không còn lăng quăng, bọ gậy, không có muỗi vằn là không có sốt xuất huyết. Việc tổ chức các chiến dịch diệt bọ gậy cần huy động toàn dân, các lực lượng, các ngành và là biện pháp cơ bản và có hiệu quả nhất trong phòng chống sốt xuất huyết. Ngành y tế tỉnh cũng đang tiếp tục triển khai để tăng cường nâng cao chất lượng công tác điều trị để hạn chế tối đa tối đa tử vong do sốt xuất huyết gây ra”./.