Bác còn sống, người Kor tin tưởng, Bác ra đi, người Kor tiếc thương. Chỉ có Bác Hồ với tình yêu bao la mới mang lại cho người Kor cuộc sống bình đẳng, không còn áp bức bóc lột.
Nhớ về những tháng năm gian khổ trong chiến tranh chống Mỹ, nhớ về tình cảm của đồng bào mình khi nghe tin Bác Hồ qua đời năm 1969, Bà Hồ Thị Dương, dân tộc Kor ở xã Trà Trung, huyện Trà Bồng, nay thuộc huỵên Tây Trà, tỉnh Quảng Ngãi suy nghĩ thế này: “Không biết mình sẽ sống ra sao nếu không có Bác Hồ. Chỉ có Bác Hồ là người mang lại ánh sáng cách mạng cho dân tộc. Chỉ có con đường cách mạng của Bác là đúng đắn nhất, không có con đường nào khác đâu”.
Vì vậy, một ngày sau khi Bác mất, theo nguyện vọng của đồng bào, huyện ủy Trà Bồng và Tỉnh ủy Quảng Ngãi đã họp và ra nghị quyết đề nghị Bộ Chính trị cho phép người Kor được mang họ Hồ của Bác.
Ông Hồ Minh Sơn ở xã Trà Tân, nguyên là Bí thư tỉnh Đoàn Quảng Ngãi ngày ấy nhớ lại: “Bác Hồ như ông mặt trời, ở đâu cũng sáng hết. Không có ai mà người dân tin như người Kor này tin Bác Hồ. Đồng bào nói không có gì để trả công ơn của Bác, chỉ có cách là gắn tên họ của mình với họ của Bác Hồ thôi. Cho nên khi Bác mất đồng bào mong muốn đổi họ Đinh của mình để mang họ Bác Hồ” .
Đêm đầu tiên người Kor chính thức mang họ Bác Hồ, rừng quế Trà Bồng sáng bừng ánh lửa và nồng nàn men rượu cần. Trong tiếng cồng, tiếng chiêng rộn ràng, dân làng nắm tay nhau múa hát cả đêm không biết mệt. Họ vui vì từ nay vinh dự được mang họ Bác, tự nguyện gắn bó đời mình với Bác. Với họ, đó là cách để người Kor tỏ lòng biết ơn vị lãnh tụ kính yêu đã đem ánh sáng tự do, độc lập cho dân tộc.
Trong suy nghĩ của người Kor Trà Bồng, Bác Hồ là biểu tượng của tinh thần đoàn kết, là ý chí đấu tranh bền bỉ vì nền độc lập của dân tộc. Đi theo con đường mà Bác Hồ và Đảng lựa chọn là chuẩn mực đạo đức, là lẽ sống của người Kor.
Ông Hồ Minh Sơn khẳng định: “Người Kor nguyện mãi mãi sau này mang dòng máu họ Hồ. Không ai đi ngoài đường lối của Đảng và con đường mà Bác Hồ đã lựa chọn. Người Kor hứa một lòng theo Đảng Cộng sản do Bác Hồ sáng lập nên, nhất quyết không theo một đảng phái nào hết. Nếu ai làm trái điều ấy thì không phải là người dân tộc Kor này”.
Tự hào được làm con cháu Bác Hồ, người Kor Trà Bồng không quản ngại khó khăn gian khổ, cầm vũ khí đứng lên đánh giặc giữ làng, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, thỏa lòng mong ước của Bác Hồ.
Hòa bình lập lại, người Kor Trà Bồng đoàn kết một lòng, chung tay xây dựng quê hương ngày càng đổi mới. Người Kor bây giờ đã biết trồng lúa nước, phát triển kinh tế vườn rừng, làm trang trại chăn nuôi kết hợp trồng cây nguyên liệu giấy. Diện tích gieo trồng của huyện gần 4000 ha, sản lượng lương thực hằng năm gần 7000 tấn, đảm bảo nhu cầu lương thực tại chỗ.
Nhờ nguồn vốn Chương trình 135, cơ sở hạ tầng điện, đường, trường học, chợ, trạm y tế, đập thủy lợi... phát huy tác dụng tích cực trong việc phát triển kinh tế - xã hội, làm thay đổi cơ bản đời sống nhân dân. Đời sống văn hóa tinh thần cũng ngày càng cải thiện, hệ thống truyền thanh truyền hình, bưu điện văn hóa xã ngày càng mở rộng, huỵên đã hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học, con em đồng bào Kor đều được đi học trở thành cán bộ xã, là giáo viên, y sĩ... đem ánh sáng văn hóa về với bản làng đồng bào vùng cao.
Núi Cà Đam vẫn sừng sững giữa mây ngàn. Rừng Trà Bồng vẫn nồng nàn hương quế. Bản làng người Kor bây giờ đã sáng bừng ánh điện. Bên đống lửa giữa sân của đêm hội cồng chiêng, đám con trai, con gái khoác tay nhau nhảy múa trong ngất ngây men rượu mừng sinh nhật Bác, mừng quê hương Trà Bồng đổi mới.
Bên ché rượu cần, hai ông già Hồ Văn Mân, Hồ Minh Sơn bắt đầu kể lại câu chuyện người Kor mang họ Bác Hồ 40 năm trước bằng chất giọng trầm ấm. Lũ con trai con gái vừa say sưa múa hát, vừa hô vang bằng tiếng Kor : “Gô dhi koh sau Wa Hồ” (Tôi là con cháu Bác Hồ)./.