Vào dịp giỗ Tổ Hùng Vương năm nay, đền Thượng trên núi Nghĩa Lĩnh (còn gọi là núi Hùng) có thêm một hiện vật quý: cột đá thề. Xuất phát từ truyền thuyết Thủ lĩnh Thục Phán của bộ lạc Âu Việt khi kế tục sự nghiệp của các Vua Hùng (nước Văn Lang với người Lạc Việt) lập ra nước Âu Lạc, đã dựng cột đá thề với lời thề ngàn đời giữ mãi sự nghiệp của các Vua Hùng, mang lại sự lớn mạnh của đất nước, của dân tộc. “Cột đá thề” vừa là biểu tượng của ý thức con Rồng cháu Tiên của con cháu Mẹ Âu Cơ và Bố Lạc Long Quân, còn là biểu tượng cho khát vọng hòa bình của người Việt Nam.
Hương thơm từ đất Tổ
Tối 29/2 Tân Mão, dưới chân núi Hùng diễn ra trọng thể Đại lễ nhập linh các Trống đồng được cung tiến cho Khu di tích lịch sử Đền Hùng, Những vệt sáng rực rỡ từ những ngọn đèn quanh Đền Hùng, trung tâm quảng trường hành lễ, hắt lên sườn núi, tán cây đang phủ sương đêm, làm cảnh vật càng thêm huyền ảo. Những chiếc trống đồng sáng rực. Bộ trống này (hoàn thành từ bàn tay, khối óc của phường đúc trống Thanh Hóa, con cháu bao nhiêu đời của cư dân Đông Sơn), quy tụ về đây, dưới chân núi thiêng. Nghi lễ “nhập linh” đơn sơ nhưng trang nghiêm. Từ buổi lễ, vang lên lời thề sẽ tiếp tục truyền giữ và phát huy truyền thống tổ tiên, cầu cho quốc thái dân an, cầu cho hòa bình.
Hương thơm dọc ngang trên các nẻo đường đất Tổ. Hương thơm từ những ngọn trầm. Hương thơm từ những cây mộc, cây bưởi, ngọc lan ở các xóm làng xung quanh núi Tổ. Chưa bao giờ, con cháu các Vua Hùng, du khách nước ngoài về dự Lễ, lại được hưởng một không khí an lành như vậy.
Nghe trong đêm thanh vắng, có tiếng rậm rịch của bước chân trai làng tập khiêng kiệu. Nghe như trong gió có tiếng thậm thịch của nhịp chày giã gạo gói bánh chưng, làm bánh dày. Và từ trên đỉnh núi mờ sương, có tiếng hát văng vẳng: “Dù ai đi ngược về xuôi, nhớ ngày Giỗ Tổ mùng mười tháng Ba”.
Ngày hội non sông
Đền Hùng vào giữa xuân đã vui như hội. Trên khuôn mặt mỗi người về đây hiện rõ niềm tự hào, xúc động. Không quản ngại đường xa, năm nay là năm thứ tư chị Bùi Thị Thu Hà (thành phố Thanh Hóa) về đất Tổ dâng hương. Mỗi năm trở lại, chị Hà đều có cảm nhận đất Tổ ngày càng đẹp hơn, khang trang hơn.
Tâm sự với chúng tôi, chị Hà bày tỏ: “Qua các phương tiện thông tin đại chúng, tôi được biết Khu di tích lịch sử Đền Hùng được Nhà nước rất quan tâm, đầu tư tu bổ, tôn tạo đền, đài, các công trình hạ tầng… Tôi khá bất ngờ trước sự thay đổi nhanh chóng của Đền Hùng năm nay”.
Với chị Lê Thị Hương (quận Hà Đông, Hà Nội), đây là năm đầu tiên chị tới Đền Hùng. Dâng hương trước Tổ tiên, lòng chị dâng trào xúc động, như được về quê cha đất mẹ.
Ông Vũ Đình Vân, hiện đang sống tại 23 Trần Duy Hưng, quận Cầu Giấy, Hà Nội năm nào cũng về dâng hương giỗ Tổ. Năm nay, ông bị tai nạn ở chân, phải chống nạng đi, nhưng vẫn cùng con cháu về đất Tổ. Ông tỏ ý hài lòng và vui mừng thấy vùng đất Tổ ngày càng khang trang, đẹp đẽ, xứng đáng là nơi thờ cúng Tổ tiên của người Việt.
Từ ngã ba quốc lộ 2 rẽ vào Khu di tích lịch sử Đền Hùng, hai bên đường là hàng cây xanh rợp bóng mát. Sát khu vực chân núi Hùng, hàng quán bố trí ngăn nắp, bán đồ lưu niệm, sản vật của Phú Thọ. Chủ cửa hàng tươi cười mỗi khi có khách ghé qua. Xung quanh đền Quốc Tổ Lạc Long Quân cây cối tốt tươi. Ôm lấy đền Quốc Tổ là một hồ nước lớn, hai cầu đá cong cong bắc qua nối đền với tuyến đường vành đai. ấn tượng nhất là Quảng trường trung tâm hành lễ ngay dưới chân núi Hùng, to đẹp đàng hoàng, với hai khán đài A và B. Phía khán đài B, một bức tranh gốm màu (lớn nhất Việt Nam) với chủ đề “Ngày hội non sông trên đất Tổ” đã hoàn thành, thu hút khách đến chiêm ngưỡng. Ông Nguyễn Đức Lộc, một doanh nhân người Hà Nam đang sống ở Vũng Tàu, tận mắt thấy bức tranh này, đã không ngần ngại xin được thành tâm đóng góp để hoàn thiện bức tranh…
Năm nay, ước sẽ có khoảng 5-6 triệu lượt khách thập phương về đất Tổ dâng hương./.