Đêm 17/9, hơn 40 em nhỏ bị nhiễm chất độc màu da cam sống và học tập tại làng trẻ Hữu Nghị, Hà Nội đã rộn ràng đón đêm trung thu mang tên gọi “Ánh trăng ước mơ”. Chương trình do hai câu lạc bộ “Áo xanh tình nguyện” và “Ngôi nhà chung” đồng tổ chức.

Tôi có được cái may mắn tham dự cùng các em nhỏ bị nhiễm chất độc màu da cam trong một đêm trung thu đặc biệt. Chiến tranh đã lùi xa hàng chục năm, nhưng di chứng còn lưu lại vẫn còn quá nặng nề trên cơ thể. Ngắm nhìn những khuôn mặt ngây thơ ấy cười đùa thích thú, tôi cảm thấy cuộc đời này còn quá nhiều niềm vui. Có những em nhỏ đã cất lên tiếng hát với các anh chị khi nhạc vừa lên. Thậm chí có em còn xung phong lên đọc thơ, nhảy múa cùng. Dù đôi chân đi không vững do dị tật, dù đôi tay không cử động được bình thường, hay bản thân các em nói năng còn ngọng ngịu, nhưng không có một lời than vãn, hay một nét buồn nào phảng phất trên khuôn mặt.

dscf4634.jpg
Các em nhỏ cùng các bạn tình nguyện viên trong đêm trung thu

Đêm trung thu chính là lúc các em tạm quên đi những đau đớn, khiếm khuyết của bản thân để hòa mình vào niềm vui chung. Với âm nhạc, điệu múa, trò chơi tràn ngập tiếng cười, tiếng trống tùng dinh dinh, và cả màn phá cỗ trung thu ấm áp. Chương trình đêm trung thu “Ánh trăng ước mơ” đã mang đến cho các em làng trẻ Hữu Nghị một đêm thật vui và ý nghĩa.

Em Nguyễn Thị Ngọc Thu (Bắc Giang), hồn nhiên khoe, em đã làm được hết bài tập về nhà, để ra chơi trung thu cùng các anh chị. Em kể, ở lớp em học rất khá, được cô giáo khen. Mỗi ngày em đều chăm chỉ làm bài tập, em cố gắng học giỏi để bố mẹ ở quê tự hào.

Em Nguyễn Thị Chung (Nghệ An) lại chia sẻ em thích múa, thích hát. Em nằng nặc bắt tôi đăng kí cho em tham gia một chương trình biểu diễn, còn hát rất to và rõ rành bài “Rước đèn ông sao”. Em muốn phá cỗ trong đêm trung thu, được ăn bánh kẹo, hoa quả cùng mọi người.

Còn em Trần Xuân Hiếu (Hoài Đức, Hà Nội) vẫy tay, hoan hô chỉ cho tôi thấy chị Hằng (do một bạn trẻ tình nguyện đóng). Có vẻ em khá ngạc nhiên và thích thú khi thấy một chị Hằng xinh đẹp, duyên dáng có thật xuất hiện trên sân khấu như vậy. Em mơ ước, sau này lớn lên sẽ làm bác sĩ để chữa bệnh cho bố mẹ em ở quê nhà.

Bé Trần Xuân Hiếu và cô Vũ Thị Châu Loan 

Không vui vẻ ồn ào như những em khác, em Ngô Thị Hải Mai (Bắc Giang) chỉ mỉm cười lặng lẽ ở một góc sân. Năm nay, Mai đã 18 tuổi, được học nghề may tại làng trẻ Hữu Nghị. Em cho biết, bản thân em là người xa quê, được tham dự một đêm trung thu ấm áp là nguồn khích lệ lớn. Em mong cho các bạn nhỏ khác cũng có một đêm trung thu vui vẻ như vậy. Ước mơ của em là có thể học nghề may thành thạo, để sau này có thể làm việc được, tự kiếm sống và có ích cho xã hội.

Anh Khương Tất Bách (Áo xanh tình nguyện) là một thành viên của ban tổ chức, anh cho biết: “Thực hiện được thành công chương trình này khiến tôi cảm thấy vui mừng. Vui mừng vì giúp cho các em có 1 đêm trung thu ấm áp vui vẻ, giúp cho các bạn trẻ tình nguyện viên làm được một điều gì đó có ý nghĩa trong cuộc sống. Bằng vật chất, hoặc bằng hành động, các bạn trẻ tình nguyện viên sẽ tìm thấy được điều gì đó có ích trong cuộc sống, cũng như là sự thanh thản trong tâm hồn”.

Anh Bách cho biết thêm, các em nhỏ ở đây sống xa gia đình, thiếu thốn tình cảm. Bởi thể, tổ chức chương trình trung thu được các em nồng nhiệt chào đón và tỏ ra hết sức vui mừng. Có nhiều em còn nhớ mặt anh Bách, và chạy lại ôm chầm, bắt cõng.

Cô Vũ Thị Châu Loan, vừa là mẹ nuôi vừa là cô giáo của các em ở làng Hữu Nghị chia sẻ, đêm trung thu “ Ánh trăng ước mơ” khiến cô và các em đều rất vui. “Đối với các em tôi luôn coi như là con của tôi. Tôi mong ước cho các em sớm được hòa đồng với cộng đồng trẻ em bên ngoài, quên đi mặc cảm thiệt thòi vì hậu quả do chiến tranh để lại. Tôi cũng mong muốn các em ở làng trẻ Hữu Nghị cũng như các em ở ngoài xã hội được vui vẻ trong đêm trung thu. Thay mặt cho các mẹ, các cô ở làng trẻ, tôi cũng muốn gửi lời cảm ơn đến các tổ chức, các bạn tình nguyện đã đến đây tổ chức một chương trình trung thu thật ý nghĩa”- cô Loan nói./.