Theo dự thảo lần 3, mỗi đội chữa cháy cấp quận huyện phải có tối thiểu 2 xe chữa cháy. Đội trên sông, trên biển sẽ được trang bị một tàu và một xuồng chữa cháy. Các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long được trang bị thêm 2 cano chữa cháy mỗi đội. Đặc biệt, dự thảo lần 3 đề xuất trang bị cho mỗi miền Bắc - Trung - Nam 2 máy bay trực thăng chữa cháy và cứu nạn cứu hộ. Những máy bay này có niên hạn sử dụng trong 15 năm.

xecuuhoa_fcad.jpgHiện nay, tại Hà Nội và TP HCM mới được trang bị xe thang chữa cháy cứu hộ, cứu nạn cao nhất lên tới 72 m, nhưng chỉ khống chế được lửa đến tầng 54, trong khi đó 2 thành phố này có rất nhiều nhà cao đến 60 -70 tầng. (ảnh: Bá Đô)
Trao đổi với VnExpress, đại tá Đoàn Hữu Thắng, Phó cục trưởng Phòng cháy chữa cháy và Cứu hộ cứu nạn (Bộ Công an) cho biết, việc đề xuất mua máy bay trực thăng đã được lãnh đạo các thành phố lớn đề cập, tuy nhiên đến nay cả nước chưa có phương tiện này. Mới đây, căn cứ vào điều kiện thực tiễn và qua một số phận tích, Cục đã thống nhất đề xuất mua máy bay để phục vụ tốt cho công tác chữa cháy, cứu nạn cứu hộ trong tương lai gần.

"Hà Nội và TP HCM có rất nhiều nhà cao tầng, thiết kế bãi đáp cho trực thăng, việc này rất thuận tiện khi giải cứu những yếu nhân, người già trong trường hợp khẩn cấp. Nếu được trang bị trực thăng thì hiệu quả chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn sẽ được nâng cao", đại tá Thắng nhấn mạnh và cho hay sớm nhất phải đến quý I/2015 dự thảo thông tư mới được thông qua.

Hiện nay, tại Hà Nội và TP HCM mới được trang bị xe thang chữa cháy cứu hộ, cứu nạn cao nhất lên tới 72 m, nhưng chỉ khống chế được lửa đến tầng 54, trong khi đó hai thành phố trung tâm này có rất nhiều nhà cao đến 60 -70 tầng.

Trước đó, UBND TP HCM đã phê duyệt đề cương chi tiết dự án "Quy hoạch ngành PCCC trên địa bàn TP HCM đến năm 2025" của Sở cảnh sát PCCC. Theo đó từ nay đến năm 2020, TP HCM sẽ mua 4 máy bay trực thăng chuyên dụng. 5 năm tiếp theo, thành phố mua thêm 2 chiếc nữa.

Còn tại Hà Nội, sau vụ cháy tháp EVN cao 33 tầng ở phố Cửa Bắc cuối năm 2011, Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đề nghị, phải tính đến việc trang bị máy bay trực thăng để khi xảy ra cháy nhà cao tầng có thể cứu hộ dễ dàng hơn.

Tuy nhiên, trao đổi với VnExpress, đại diện hàng không cho rằng việc cứu hỏa, cứu hộ ở nhà cao tầng bằng trực thăng hiện nay là chưa khả thi và không thể thực hiện.

Theo nhà chức trách hàng không, để đảm bảo công tác cứu hộ, trực thăng cần tuân thủ điều kiện nhất định về mặt kỹ thuật, như: phải có ít nhất 2 động cơ, có thể chuyên chở 5-10 người làm công tác cứu hộ... Tuy nhiên, các dòng máy bay kiểu này thường rất đắt, giá chào bán khoảng 12 triệu USD cho đến vài chục triệu USD...

Trước đó, thượng tướng Đặng Văn Hiếu, Thứ trưởng Bộ Công an đánh giá, việc sử dụng máy bay để chữa cháy rất khả thi, rất cần thiết, nhưng vấn đề là tổ chức mua sắm và sử dụng như thế nào cho hiệu quả. Bộ Công an rất cần loại phương tiện này và muốn đề xuất mua máy bay để chữa cháy vì tiện và có hiệu quả. Bộ mới được Chính phủ giao chuẩn bị đề án mua máy bay trực thăng để phục vụ công tác chiến đấu, tuần tra, kiểm soát, phòng chống tội phạm chứ chưa có hướng mua để phục vụ công tác PCCC.

"Tương lai gần, việc này nên đặt ra vì rất thiết thực. Các nước đã làm rồi. Vì điều kiện của Việt Nam đang còn nhiều khó khăn nên phải tính những việc khác trước", ông Hiếu nói./.