Cách đây tròn một năm, ngày 9/3/2010, Ủy ban Ký ức Thế giới khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO tại phiên họp toàn thể thường niên đã chính thức công nhận Hồ sơ bia đá các khoa thi tiến sĩ triều Lê và Mạc (1442-1779) tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám Hà Nội là di sản tư liệu thế giới. Sau Mộc bản triều Nguyễn, bia tiến sĩ Văn Miếu là di sản tư liệu thứ hai của Việt Nam được đưa vào danh mục Di sản tư liệu thuộc Chương trình ký ức thế giới của UNESCO.

van-mieu-3.jpg

Nhiều du khách quốc tế đã biết đến văn bia tiến sĩ khi di tích này được công nhận là di sản

Đẩy mạnh quảng bá di sản văn bia tiến sĩ

Ông Đặng Kim Ngọc, Giám đốc Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám cho biết, vào thời điểm văn bia tiến sĩ tại Văn Miếu được công nhận là Di sản tư liệu thế giới, ngoài niềm vui còn là ý thức phải bảo vệ và phát huy ý nghĩa của di sản. Với ý thức đó, Trung tâm đã khẩn trương triển khai một số công việc để gìn giữ cũng như quảng bá về di sản này. Bên cạnh việc tuyên truyền bằng loa phóng thanh, phát tờ rơi… để giới thiệu văn bia tiến sĩ với du khách trong nước, Trung tâm cũng đã xây dựng một số bục trước mỗi nhà bia, trên đó trích giới thiệu nội dung của các tấm bia tiến sĩ bằng tiếng Việt, nhằm giúp du khách có thể hiểu một phần thông điệp mà các bậc tiền nhân để lại.

Adrieu - du khách Pháp: Việt Nam là một quốc gia có truyền thống hiếu học

Ngoài việc tăng cường quảng bá bia tiến sĩ với du khách trong nước, Trung tâm cũng tiến hành dịch toàn bộ nội dung của 82 bia tiến sĩ và in thành bộ sách bằng tiếng Anh để giới thiệu với du khách quốc tế về di sản này khi họ đến thăm Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

Việc tăng cường quảng bá, giới thiệu về di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám nói chung và văn bia tiến sĩ nói riêng đã đem lại kết quả tích cực, lượng du khách đã tăng lên rõ rệt. Nếu như năm 2009 có khoảng 1,2 triệu du khách thì năm 2010, có trên 2 triệu lượt du khách đã đến thăm Văn Miếu - Quốc Tử Giám, trong đó hơn 60% là du khách quốc tế.

Văn bia tiến sĩ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám vinh danh tên tuổi những người đỗ trong các kỳ thi tuyển tiến sĩ triều Lê và Mạc. Trên mỗi tấm bia khắc một bài văn (bài ký) bằng chữ Hán, nội dung ghi lại lịch sử của các khoa thi tổ chức từ năm 1442 - 1779. Có 82 tấm bia tương ứng với 82 khoa thi được dựng, khắc tên 1.304 tiến sĩ.

Anh Adrieu, 22 tuổi, du khách Pháp lần đầu tiên đến Việt Nam cho biết: “Trước đây, tôi chỉ biết đến đất nước các bạn qua sách báo và phim ảnh. Tuy nhiên, khi đến Hà Nội và vào thăm Văn Miếu - Quốc Tử Giám, tôi thực sự ngạc nhiên khi được biết đây là trường Đại học đầu tiên của Việt Nam. Điều đó chứng tỏ Việt Nam là một quốc gia có truyền thống hiếu học với nhiều người đỗ đạt cao đã làm rạng danh đất nước.

Tôi cũng được biết bia tiến sĩ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thế giới. Xin chúc mừng các bạn. Khi về nước, tôi sẽ kể cho bạn bè và người thân về lịch sử và con người Việt Nam”.

“Lượng du khách đến Văn Miếu và biết đến văn bia tiến sĩ cũng ngày một nhiều hơn, hiểu biết của du khách về giá trị của các văn bia này cũng được nâng cao. Đó là những điều thu được từ khi văn bia tiến sĩ được công nhận là Di sản tư liệu thế giới”, ông Ngọc cho biết.

Để văn bia tiến sĩ mãi trường tồn

Theo kết quả nhiều cuộc khảo sát, giá trị và nét độc đáo của 82 bia tiến sĩ chính là những bài văn khắc trên bia. Trên thế giới nhiều nước cũng dựng bia, nhưng chỉ duy nhất bia tiến sĩ Văn Miếu có bài ký ghi lịch sử các khoa thi và triết lý của triều đại về nền giáo dục và đào tạo, sử dụng nhân tài. Đến nay, bia tiến sĩ Văn Miếu vẫn là những bản gốc duy nhất được lưu giữ tại chỗ, liên tục kể từ khi dựng; phần lớn các hoa văn và văn tự còn rõ, có khả năng đọc được.

Giá trị về lịch sử và văn hoá của 82 bia tiến sĩ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã được thế giới công nhận. Việc bảo vệ và gìn giữ một pho sử quý giá như vậy trước sự xâm hại của thời gian cũng như con người là vấn đề đã được đặt ra từ lâu.

Tấm bia tiến sĩ đầu tiên được dựng năm 1484 đời vua Lê Thánh Tông, ghi lại lịch sử khoa thi năm 1442. Tấm bia cuối cùng được dựng vào năm 1780 cho khoa thi tổ chức vào năm 1779.

Để bảo vệ các tấm bia đá này trước tác động của thời tiết, từ năm 1993, hai dãy mái che đã được dựng để che các tấm bia này. Bên cạnh đó, để tránh sự xâm hại của con người do xuất phát từ những lời đồn đại, hoặc từ sự ngưỡng vọng về truyền thống khoa cử của người xưa mà mỗi khi đến kỳ thi các học sinh, sinh viên lại đua nhau đến sờ đầu rùa, sờ bia đá để lấy may, ban quản lý di tích đã áp dụng nhiều biện pháp như tuyên truyền về giá trị của di sản, dựng hàng rào ngăn cách giữa các tấm bia với khách tham quan… Tuy nhiên, theo ông Đặng Kim Ngọc, “vấn nạn” này không thể chấm dứt trong ngày một, ngày hai.

Năm 2010, khi các văn bia tiến sĩ được công nhận là Di sản tư liệu thế giới, Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã áp dụng giải pháp là trải thảm đỏ trên nền của các nhà bia, kê các bục có trích đăng nội dung của các văn bia, bày các sản phẩm đồ gốm của làng nghề Bát Tràng… thành một không gian trưng bày ngoài trời, có hàng rào xung quanh.

Việc đưa ra những lời cảnh báo như thế này chỉ là giải pháp tình thế

Việc trưng bày thành một không gian trang trọng như vậy khiến cho khách tham quan có cảm giác của một khu trưng bày nên việc trèo qua hàng rào, dẫm lên thảm đỏ để vào bên trong cũng giảm đáng kể. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là một giải pháp tạm thời. “Việc tăng cường tuyên truyền để khách tham quan hiểu giá trị của di sản này, từ đó nâng cao ý thức gìn giữ là công việc phải được tiến hành thường xuyên, trong đó có vai trò quan trọng của các cơ quan truyền thông”, ông Ngọc nói.

Một cách bảo tồn và lưu giữ di sản này là tuyên truyền cho thế hệ trẻ về lịch sử, giá trị của các văn bia này. Tuy nhiên, dù đã có nhiều sách báo, tờ rơi, thậm chí là những bản dịch được trưng bày ngay trước các tấm văn bia, không phải ai cũng quan tâm và hiểu rõ về văn bia này, đặc biệt là các bạn trẻ.

Ông Đặng Kim Ngọc, Giám đốc Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám trả lời phỏng vấn VOVNews

Khi đến Văn Miếu - Quốc Tử Giám để tìm hiểu về công tác bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn bia tiến sĩ, chúng tôi gặp rất nhiều các bạn sinh viên đến tham quan và chụp ảnh lưu niệm trước các văn bia này. Tuy nhiên, khi được hỏi có biết các văn bia này ghi lại điều gì? Nhiều bạn sinh viên trả lời vô tư rằng: “Em được biết, các văn bia này để thờ các vị tài tử của nước ta từ trước tới giờ”! Đây là một thực trạng đáng cảnh báo.

Trong chuyến thăm Văn Miếu - Quốc Tử Giám nhân dịp Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, Tổng giám đốc UNESCO Irina Bokova bày tỏ hy vọng Khu di tích Văn Miếu Quốc Tử Giám sẽ sớm được công nhận là Di sản văn hoá thế giới. Đây là điều mà chúng ta cũng mong muốn và hướng tới. Để đạt được điều đó, việc cần làm đầu tiên là chúng ta cần chung tay để bảo tồn, quảng bá và phát huy hơn nữa những giá trị của Khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám nói chung cũng như Di sản tư liệu thế giới - Văn bia tiến sĩ nói riêng./.