Tại tỉnh Bạc Liêu, Hậu Giang dịch cúm H5N1 đã xuất hiện trên đàn gà hàng ngàn con của các hộ dân. Trước diễn biến này, bên cạnh việc khẩn trương tiêu hủy các đàn gà bị nhiễm bệnh, các ban, ngành hữu quan ở các địa phương này còn tập trung triển khai nhiều biện pháp để tiêu diệt, ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh sang các hộ chăn nuôi khác.

h5n1_imwn.jpg
BĐSCL đang tich cực không chế dịch cúm H5N1. (Ảnh minh họa)

Ông Nguyễn Văn Thành ở ấp 6 xã Long Trị A, Thị xã Long Mỹ cho biết: Gia đình ông chăn nuôi gà gần 10 năm nay, trung bình mỗi đàn từ 800 đến 1.000 con. Cận Têt nguyên đán, thấy đàn gà bị bệnh, bỏ ăn nên ông mua thuốc về điều trị nhưng gà không khỏi bệnh mà bắt đầu chết. 

Ông Nguyễn Văn Thành nói: “Lúc đầu, đang gà cũng nóng sốt, bỏ ăn cũng cỡ 4 ngày mới chết. Hồi đầu tôi cũng nghĩ nó tụ huyết trùng, tôi cũng cho uống thuốc hoài nó không giảm. Sau đó, tôi mới xách con gà lên Thú y vùng mổ khám coi bệnh gì để về trị”.

Sau khi xác định đàn gà của ông Thành nhiễm dịch cúm H5N1, chính quyền địa phương đã phối hợp với các ban, ngành hữu quan tiêu hủy toàn bộ 810 con gà nhiễm bệnh cúm của hộ ông Thành; cơ quan thú y thực hiện tiêu độc khử trùng liên tục 10 ngày, đồng thời tiêm phòng bao vây ổ dịch đối với 95 hộ dân lân cận có đàn gia cầm hơn 17.000 con.

Ông Nguyễn Văn Thống - Phó trưởng phòng kinh tế Thị xã Long Mỹ cho biết: “Phòng phối hợp với ngành Thú y cũng như các phường, tuyên truyền cho người dân. Những đàn gà đã tiêm chủng đó hết thời gian miễn dịch, bà con nên tiêm nhắc lại. Tuyên truyền bà con nông dân phối hợp để công tác tiêm phòng đảm bảo, nhất là đàn gia súc, gia cầm nhỏ lẻ, đồng thời những đàn mà bà con nuôi thường xuyên nên tiêu độc, khử trùng, tránh dịch bệnh xảy ra”.

Hiện đàn gia cầm ở thị xã Long Mỹ có hơn 550 ngàn con, trong đó đàn gà hơn 200 ngàn con. Hiện nay ngoài đẩy mạnh công tác tiêm phòng, ngành chức năng thị xã Long Mỹ còn tập trung tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân trong công tác phòng bệnh cúm gia cầm.

Ông Nguyễn Văn Mười một hộ nuôi vịt ở Thị xã Long Mỹ cho biết: Qua tuyên truyền, hướng dẫn của cán bộ Thú y, giờ ông đã ý thức hơn trong việc triển khai các biện pháp phòng ngừa dịch cúm cho đàn gia cầm cũng như có phương pháp tự bảo vệ bản thân tránh lây nhiễm cúm từ gia cầm sang người.

Hiện nay dịch cúm gia cầm ở Thị xã Long Mỹ đã được khống chế, tuy nhiên chính quyền địa phương và các ban, ngành hữu quan thường xuyên khuyến cáo bà con nông dân không nên chủ quan, lơ là trong phòng chống dịch. Khi hộ chăn nuôi có gia súc, gia cầm bị nhiễm bệnh chết không nên vứt xác chết xuống kênh, rạch mà cần báo ngay cho lực lượng thú y địa phương để kịp thời kiểm tra, phát hiện dịch bệnh và có hướng xử lý theo quy định của Nhà nước./.