Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cúm gia cầm có thể xuất hiện rải rác các ổ dịch tại một số địa bàn có nguy cơ cao, nơi có ổ dịch cũ vào thời điểm trước, trong và sau Tết nguyên đán. Bởi vậy, các địa phương không chủ quan trong công tác phòng chống dịch, tập trung phòng chống dịch cúm gia cầm và các chủng virus cúm gia cầm lây sang người.

gia_cam_nxpe.jpg
Dù tết nhưng các địa phương không được lơ là trong công tác phòng chống dịch. (ảnh: KT)
Dịp Tết, nhu cầu sử dụng thịt gia súc, gia cầm tăng mạnh, trong khi thời tiết diễn biến phức tạp khiến cho nguy cơ bùng phát và lây lan dịch bệnh trên đàn vật nuôi là rất cao. Trong đó, đặc biệt là nguy cơ xâm nhập của chủng virus cúm A H7N9 lây lan sang người thông qua các hoạt động vận chuyển, buôn bán gia cầm trái phép ở các tỉnh biên giới phía Bắc và các địa phương có liên quan đến buôn bán, tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc.

Theo ông Đàm Xuân Thành, Phó cục trưởng Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thực tế thời gian qua cho thấy, bên cạnh sự phối hợp của các bộ, ngành, yếu tố quan trọng nhất là sự vào cuộc của các cấp chính quyền địa phương. Bởi các ổ dịch xảy ra thời gian qua cho thấy, nhờ sự vào cuộc của cả địa phương nhằm phát hiện và xử lý kịp thời nên dịch không lây lan trên diện rộng. Vì vậy, các địa phương cần phân công cán bộ trực Tết, khi phát hiện có dịch cúm gia cầm phải nhanh chóng khoanh vùng dập dịch, tập trung xử lý ngay từ ổ dịch kết hợp giám sát chủ động việc lưu hành của virus, không để dịch xảy ra trên diện rộng.

Ông Thành nói: “Chúng ta nghỉ Tết dài ngày mà không phòng chống dịch nếu nó lây lan rất khó khăn trong việc xử lý. Trong dịp Tết, Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch cúm gia cầm đã phân công bộ phận thường trực ở cả Trung ương và địa phương để khi có dịch bệnh xảy ra chúng ta ứng phó kịp thời, khống chế xử lý gọn các ổ dịch ngay khi phát hiện không để lây lan trên diện rộng”./.