Sau khi chủ trì buổi họp về tình hình thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân ngày 4/3, nghe báo cáo của Bộ trưởng Bộ Y tế, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, ý kiến phát biểu của các đại biểu và ý kiến của Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng có ý kiến kết luận:
Bảo hiểm y tế là chính sách lớn, quan trọng được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm, nhằm huy động sự tham gia của mọi người trong việc chăm lo sức khỏe nhân dân, thể hiện tinh thần tương thân, tương ái, hỗ trợ lẫn nhau, là mục tiêu và thể hiện tính ưu việt của chế độ ta.
Trong những năm qua với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, các Bộ, ngành, địa phương, ngành Y tế, Bảo hiểm Xã hội và đội ngũ thầy thuốc, việc thực hiện Đề án Bảo hiểm y tế toàn dân đã đạt được kết quả tích cực, cơ bản đạt được chỉ tiêu đề ra, người tham gia bảo hiểm y tế được hưởng dịch vụ y tế với chất lượng cao hơn, giảm chi phí cho người bệnh, góp phần giảm nghèo và phát triển bền vững, thực hiện bình đẳng xã hội, tăng thêm lòng tin của nhân dân với Đảng và Nhà nước.
Phát huy kết quả đạt được, thời gian tới Bộ Y tế, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam và các Bộ, ngành, địa phương cần tập trung, nỗ lực làm tốt hơn nữa công tác bảo hiểm y tế toàn dân; đạt được các mục tiêu về bảo hiểm y tế toàn dân, đến hết 2015 ít nhất 75% người dân tham gia bảo hiểm y tế và đến năm 2020 ít nhất 80% người dân tham gia bảo hiểm y tế.
Để thực hiện mục tiêu về bảo hiểm y tế toàn dân đã đề ra về số lượng, chất lượng, đồng thời giảm chi phí cho người bệnh trong khám, chữa bệnh khi tham gia bảo hiểm y tế, Bộ Y tế, các Bộ, ngành, địa phương cần khắc phục các hạn chế, tồn tại, đẩy mạnh làm tốt hơn nữa chính sách bảo hiểm y tế toàn dân và thực hiện một số nhiệm vụ sau đây:
1. Cấp ủy đảng, chính quyền các cấp đẩy mạnh tuyên tuyền, vận động nhân dân tham gia bảo hiểm y tế; có trách nhiệm triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về bảo hiểm y tế toàn dân để thực hiện được mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân đã đề ra.
2. Bộ Y tế chủ trì, phối hợp các Bộ, ngành liên quan khẩn trương, rà soát, bổ sung cơ chế chính sách tạo điều kiện thuận lợi để người dân tham gia bảo hiểm y tế.
Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp các Bộ, ngành liên quan khẩn trương hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Bảo hiểm y tế đối với quân nhân, công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu, trình Chính phủ trong tháng 3 năm 2015.
Bộ Y tế, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp các Bộ, ngành liên quan khẩn trương xây dựng Chỉ thị về việc đẩy mạnh việc triển khai bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trong tháng 3 năm 2015.
3. Các Bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đẩy mạnh việc thực hiện quy định toàn dân tham gia bảo hiểm y tế và các giải pháp mở rộng tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế, trong đó tập trung 4 đối tượng sau:
- Sĩ quan, hạ sĩ quan, binh sĩ, quân nhân chuyên nghiệp, học viên đang tại ngũ thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, người làm công tác cơ yếu và thân nhân: Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chỉ đạo các đối tượng này tham gia bảo hiểm y tế 100%.
- Học sinh, sinh viên: Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam và các Bộ, ngành liên quan xây dựng tiêu chí, kế hoạch phát triển bảo hiểm y tế tại mỗi cơ sở giáo dục, đào tạo và tổ chức thực hiện các giải pháp mở rộng bảo hiểm y tế đối với học sinh, sinh viên. Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các Sở Giáo dục và Đào tạo, các học viện, trường đại học, cao đẳng, cao đẳng nghề, trung cấp chuyên nghiệp và trung cấp nghề trong toàn quốc thực hiện đầy đủ, nghiêm túc Luật Bảo hiểm y tế. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, các cơ quan liên quan nâng mức cho vay ưu đãi đối với học sinh, sinh viên, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trong tháng 03 năm 2015.
- Hộ gia đình cận nghèo: Nhà nước hỗ trợ 70% kinh phí mua bảo hiểm y tế. Bảo hiểm Xã hội Việt Nam phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan liên quan và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục tuyên truyền, vận động để các đối tượng này chủ động tham gia. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động các nguồn lực của mình để có chính sách hỗ trợ thêm phù hợp.
- Người làm nông nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp, lâm nghiệp có mức thu nhập trung bình: Nhà nước hỗ trợ 30% kinh phí mua bảo hiểm y tế. Bảo hiểm Xã hội Việt Nam phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan liên quan và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục tuyên truyền, vận động để các đối tượng này chủ động tham gia và Nhà nước bảo đảm hỗ trợ theo quy định.
4. Bộ Y tế chủ trì, phối hợp Bảo hiểm Xã hội Việt Nam hướng dẫn việc tổ chức khám bệnh, chữa bệnh vào ngày lễ, ngày nghỉ và thanh toán bảo hiểm y tế nhằm tạo điều kiện thuận lợi, phục vụ các đối tượng có nghề lao động đặc thù như làm việc theo ca, làm việc không bố trí nghỉ được vào ngày lễ, ngày nghỉ và các cơ sở y tế có chuyên ngành bị quá tải.
5. Đối với việc thành lập Phòng Bảo hiểm y tế thuộc Sở Y tế: Trước mắt chưa thành lập mới Phòng Bảo hiểm y tế thuộc Sở Y tế; Bộ Y tế phối hợp với các cơ quan liên quan chỉ đạo giao nhiệm vụ, tăng cường nhân lực, phân công lãnh đạo phòng, sở theo dõi bảo hiểm y tế cho phòng chức năng phù hợp của Sở Y tế không tăng biên chế để giúp Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo công tác bảo hiểm y tế tại địa phương.
6. Bộ Y tế nghiên cứu xây dựng, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các chính sách đẩy mạnh việc tự chủ của các cơ sở y tế công lập, trong đó có tính đủ các yếu tố cấu thành giá viện phí. Trước mắt sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật về cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp y tế công lập và giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập. Đẩy mạnh xã hội hóa, tăng cường đầu tư trang thiết bị y tế để phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh.
Nâng cao năng lực khám bệnh, chữa bệnh của hệ thống y tế, chú trọng nâng cao năng lực cho y tế tuyến dưới; tăng cường hỗ trợ chuyên môn giữa các bệnh viện, nhất là cho các bệnh viện tuyến dưới, tạo thuận lợi cho nhân dân và giảm quá tải tại các bệnh viện tuyến trung ương và một số bệnh viện chuyên khoa.
7. Bộ Y tế khẩn trương hoàn thành các văn bản hướng dẫn pháp luật về đấu thầu thuốc và tổ chức triển khai thực hiện đúng tiến độ, theo quy định của pháp luật để tiếp tục giảm giá thuốc.
8. Bộ Y tế chủ trì, phối hợp các Bộ, ngành xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích, phát triển sản xuất thuốc và vắc xin trong nước, tiến tới chủ động cung cấp đủ thuốc, vắc xin có chất lượng, giá thành hợp lý cho nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân.
9. Bộ Y tế, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đẩy mạnh triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý bảo hiểm y tế để quản lý bảo hiểm y tế trong toàn quốc, liên thông giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cơ quan bảo hiểm y tế và cơ quan quản lý nhà nước về y tế theo hướng thuê dịch vụ công nghệ thông tin.
10. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với cơ quan liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, bảo đảm 100% người lao động tham gia bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội.
11. Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Bộ Y tế, đẩy mạnh việc tuyên truyền các chính sách của Đảng và Nhà nước về bảo hiểm y tế toàn dân, quyền lợi của người dân khi tham gia bảo hiểm y tế để người dân tích cực, chủ động tham gia./.