Tối 10/8, tại Hà Nội, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh phối hợp với Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc tổ chức Liên hoan Truyền thông phòng chống tai nạn thương tích trẻ em khu vực phía Bắc.
Tham dự Liên hoan có 13 đội Tuyên truyền của thanh niên và thiếu nhi đại diện 13 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc. Tại Liên hoan, mỗi đội thể hiện phần thi thông qua các thể loại: Kịch, hát, kể chuyện... do các em tự lựa chọn nội dung, xây dựng kịch bản và trình diễn. Những hoạt động này nhằm tuyên truyền về những nguy cơ và hậu quả của tai nạn thương tích với sức khoẻ, đời sống trẻ em. Đồng thời, kêu gọi cộng đồng có những hành động và biện pháp thiết thực tham gia phòng chống tai nạn thương tích, xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh cho trẻ em.
Ông Nguyễn Hải Hữu, Cục trưởng Cục Chăm sóc và Bảo vệ trẻ em, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết: “Liên hoan lần này có ý nghĩa rất quan trọng, đó là chính trẻ em làm công tác truyền thông về tai nạn thương tích. Thông qua các tiểu phẩm, tiết mục văn nghệ, các em có thể nói lên những ý tưởng của mình về các biện pháp phòng chống tai nạn thương tích. Qua đó, các em tự nâng cao nhận thức của bản thân và có thêm những kỹ năng để tự bảo vệ mình trong phòng chống tai nạn thương tích”.
Theo thống kê của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, trung bình hàng năm có khoảng 8.000 trẻ em và người chưa thành niên bị tử vong do tai nạn thương tích bởi các nguyên nhân như: bỏng, tai nạn giao thông, đuối nước, ngã, ngộ độc, động vật cắn, điện giật...
Qua Liên hoan, các em được học tập, trao đổi kinh nghiệm, bồi dưỡng các kỹ năng về phòng chống tai nạn thương tích cho chính bản thân; đồng thời trở thành tuyên truyền viên tích cực trong hoạt động truyền thông phòng chống tai nạn thương tích.
Em Bùi Phương Ngọc Diệp, học sinh lớp 7G, trường Trung học cơ sở Lê Hồng Phong, thành phố Yên Bái, mang đến liên hoan thông điệp về bảo vệ trẻ em thông qua tiểu phẩm “Mưa rơi trên núi”, chia sẻ: “Nội dung tiểu phẩm của đội chúng em, kể về một ông bố do thiếu hiểu biết về pháp luật đã bắt con trai đi làm nhiều việc nặng nhọc như: gánh củi trên núi, đi lấy mật ong rừng... Hậu quả đáng tiếc đã xảy ra là người con bị tai nạn và ông bố đã rất hối hận. Thông qua tiểu phẩm, chúng em muốn gửi tới thông điệp là hãy dành cho trẻ em những điều tốt đẹp nhất, đảm bảo an toàn, xây dựng môi trường sống an toàn cho chúng em”./.