Vai trò lớn, phụ cấp “lèo tèo”
Chị Vần Thị Máy, 30 tuổi ở xã Lũng Táo, Đồng Văn – Hà Giang theo học chương trình cô đỡ thôn bản năm 2009 và hoàn thành khóa học vào năm 2010. Từ đó đến nay, không quản đường xá xa xôi, bất kể ngày hay đêm, chị lặn lội tìm đến gia đình những phụ nữ mang thai tại xã nhà để theo dõi, vận động họ xuống các trung tâm y tế đi khám thai, tư vấn cho các chị em không đẻ ở nhà. Trước khi trở thành cô đỡ thôn bản, chị đã chứng kiến nhiều cái chết thương tâm khi những phụ nữ địa phương “vượt cạn” tại nhà, có những trường hợp tử vong cả mẹ lẫn con do gặp tai biến khi sinh mà không được cấp cứu kịp thời.
Theo chị Máy, nguyên nhân dẫn đến tai biến sản khoa ở địa phương là do những sản phụ người dân tộc thiểu số hầu như không được trang bị kiến thức về kế hoạch hóa gia đình, cũng như chăm sóc sức khỏe sinh sản. Bên cạnh đó, do không biết tiếng Kinh, tâm lý “xấu hổ khi đẻ ở chỗ đông người” cùng với những trở ngại về giao thông khi “xuống núi” nên họ có tập quán đẻ ở nhà. Sau 4 năm trong vai trò là cô đỡ thôn bản, chị Máy đã trực tiếp đi vận động được hàng chục chị xuống trung tâm y tế xã, huyện khám thai và sinh nở. Trong những trường hợp khẩn cấp, chị trực tiếp đỡ đẻ tại nhà và tư vấn cho sản phụ cách chăm sóc sức khỏe bản thân và em bé theo phương pháp khoa học.
Gắn bó với công tác y tế địa phương là thế, song đến nay, chị Vần Thị Máy chỉ được nhận hơn 500.000 đồng mỗi tháng theo chế độ phụ cấp y tế thôn bản. Khoản tiền ít ỏi đó không đủ cho chị chi tiền điện thoại, xe ôm mỗi lần “tác nghiệp”. Do đó chị Máy phải làm nương rẫy, nuôi gà lợn để có thu nhập. Nhiều lần, chồng và người thân khuyên chị bỏ nghề nhưng chị đã “trót” gắn bó và mỗi lần nhận được tin trong xã có sản phụ cần được trợ giúp, chị Máy lại không nỡ bỏ rơi chị em, lại gọi xem ôm “lên đường”.
Sứ mệnh giúp giảm tỷ lệ tử vong bà mẹ và trẻ sơ sinh.
Theo bà Lưu Thị Hồng, Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ và Trẻ em (Bộ Y tế), những cô đỡ thôn bản như chị Vần Thị Máy phải hoạt động độc lập tại thôn bản và công việc của họ còn gặp muôn vàn khó khăn, cho dù chính đội ngũ này, cùng với những nữ hộ sinh, có sứ mệnh giúp giảm đáng kể tỷ lệ tử vong bà mẹ và trẻ sơ sinh. Cô đỡ thôn bản không đơn thuần làm công tác đỡ đẻ, mà còn hướng tới kỹ năng tư vấn phụ nữ đến đẻ ở các cơ sở y tế.
“Do phong tục tập quán, thiếu hiểu biết cũng như rào cản ngôn ngữ, phụ nữ dân tộc thiểu số chỉ đẻ ở nhà, được mẹ chăm sóc. Chính vì vậy việc cô đỡ hoạt động một mình tại cộng đồng gặp rất nhiều khó khăn. Do đó chúng tôi chú ý đến việc cung cấp cho các cô “bộ đỡ đẻ sạch” để trong trường hợp sản phụ đẻ ở nhà sẽ được chăm sóc với điều kiện tốt nhất. Các cô đỡ cũng được đào tạo kỹ năng kêu gọi cộng đồng cùng chung tay vào trong những trường hợp khẩn cấp. Hàng tháng, tuần, các cô cũng được tham gia giao ban, được đào tạo thêm để tăng cường các kỹ năng hoạt động độc lập” – bà Hồng nói.
Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ và Trẻ em cho biết thêm, vừa qua, Bộ Y tế phối hợp cùng Bộ Nội vụ đã có thông tư quy định tiêu chuẩn, chức năng, nhiệm vụ của nhân viên y tế thôn bản, theo đó chính thức đưa cô đỡ thôn bản là một chức danh trong hệ thống y tế Việt Nam. Với những xã, thôn chưa có y tế thôn bản thì các cô đỡ được hưởng mức phụ cấp theo khu vực. Tuy nhiên, trên thực tế cuộc sống của các cô đỡ thôn bản còn gặp nhiều khó khăn, do còn phải phụ thuộc ngân sách của địa phương được phê duyệt.
Đầu tư cho cán bộ hộ sinh là cứu sống hàng triệu người
Theo Báo cáo Tình trạng Hộ sinh Thế giới năm 2014 do Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) và Bộ Y tế công bố đầu tháng 7/2014, 73 quốc gia trong báo cáo (trong đó có Việt Nam) chiếm tới 96% tổng số ca tử vong mẹ, 91% tổng số ca chết thai lưu và 93% tổng số ca tử vong sơ sinh trên toàn cầu. Tuy nhiên các quốc gia này lại chỉ chiếm 43% tổng số hộ sinh, y tá và bác sỹ trên toàn thế giới. Theo UNFPA, hàng năm, vẫn còn khoảng 300.000 phụ nữ trên thế giới tử vong trong quá trình sinh con. Cứ hai phút thì có một phụ nữ tử vong do những tai biến trong quá trình mang thai và sinh con.
Theo các chuyên gia y tế, cán bộ hộ sinh có vai trò quan trọng trong việc đạt được Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDGs) số 4 (giảm thiểu số trẻ tử vong) và số 5 (cải thiện sức khỏe bà mẹ). Nếu được đào tạo theo tiêu chuẩn quốc tế và làm việc trong hệ thống y tế hoàn thiện, họ có thể cung cấp đến 90% công tác chăm sóc y tế cần thiết cho bà mẹ và trẻ sơ sinh, đồng thời giảm tới 2/3 tỷ lệ tử vong bà mẹ và trẻ sơ sinh. Hiện tại vẫn còn đang rất thiếu những cán bộ hộ sinh được đào tạo chính quy để chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em. Cùng với đói nghèo, đây là nguyên nhân dẫn đến việc mỗi năm có hàng trăm nghìn ca tử vong bởi những nguyên nhân có thể ngăn chặn được.
Theo đánh giá của Bộ Y tế, lực lượng hộ sinh hiện có ở Việt Nam vào khoảng 23.000 người, chỉ có khả năng đáp ứng được 83% nhu cầu, lại được phân bổ không đồng đều theo dân số và vùng miền. Tỷ lệ hộ sinh trên tổng số dân hiện ở mức thấp (3,5 hộ sinh/10.000 dân), có khoảng 5% trạm y tế xã (tương đương 517 xã) ở vùng sâu, vùng xa chưa có cán bộ hộ sinh; khoảng 17% phụ nữ - chủ yếu sống ở vùng sâu, vùng xa, vùng ven biển - chưa được tiếp cận với dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến, chính sự thiếu hụt về lực lượng hộ sinh đã khiến tỷ lệ mẹ, trẻ sơ sinh tử vong tại 62 huyện nghèo nhất nước cao gấp từ 3 đến 4 lần so với mặt bằng chung cả nước. Tình trạng mẹ sinh con tại nhà, không được cán bộ y tế đã qua đào tạo hỗ trợ diễn ra khá phổ biến ở nhiều vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa. Việt Nam có khoảng 2,4 triệu phụ nữ mang thai mỗi năm, tuy nhiên, chỉ có từ 1 - 1,2 triệu trẻ được sinh ra, theo đó hàng năm có khoảng hơn một triệu ca đình chỉ thai nghén, gặp tai biến sản khoa... Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng dân số và sức khỏe phụ nữ.
Thứ trưởng Bộ Y tế khẳng định, vai trò của hộ sinh và công tác hộ sinh là cực kỳ quan trọng trong hệ thống chăm sóc sức khoẻ bà mẹ và trẻ sơ sinh ở Việt Nam. Đội ngũ cán bộ hộ sinh và cô đỡ thôn bản có kỹ năng, thành thạo về chuyên môn, có nhiệt huyết và được trợ giúp, là chìa khóa then chốt cho sự thành công trong việc giúp làm giảm tử vong mẹ và trẻ sơ sinh. Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến cho biết, thời gian tới Bộ Y tế sẽ xem xét và nỗ lực sử dụng các nguồn lực và năng lực của hệ thống y tế quốc gia, nhằm nâng cao hơn nữa tầm quan trọng của nghề hộ sinh, cải thiện chất lượng chăm sóc sức khỏe sinh sản.
Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ đã tới rất gần vào năm 2015, tuy nhiên, chỗ trống về số lượng người đỡ đẻ có kỹ năng tại vùng sâu, vùng xa ở nước ta vẫn chưa thể lấp đầy./.