Đó là thính giả có tên là Sanusi Isah Dankaba (Nigeria), người đã tham dự cuộc thi “Bạn biết gì về Việt Nam” do Hệ Phát thanh Đối ngoại (VOV5), Đài TNVN tổ chức.

Cuộc thi đặc biệt

Cách đây 30 năm, năm 1985, “Bạn biết gì về Việt Nam” lần đầu tiên được VOV5 tổ chức (1985). Cuộc thi dành cho tất cả quý thính giả của Đài TNVN là người nước ngoài ở khắp các châu lục và Việt kiều hiện đang làm ăn, sinh sống ở nước ngoài. Kể từ đó, đều đặn 5 năm 1 lần, “Bạn biết gì về Việt Nam” lại đến với thính giả. “Cuộc thi là một cách quảng bá về đất nước mình, để thính giả nước ngoài hiểu hơn về Việt Nam và Đài TNVN” - bà Đoàn Thị Trung, Giám đốc VOV5 cho biết.

Với 6 câu hỏi, cuộc thi “Bạn biết gì về Việt Nam” năm 2015 đã khái quát được những dấu mốc, thành tựu nổi bật của nước ta trong 5 năm qua và chặng đường phát triển của Đài TNVN từ 2010 - 2015. Cuộc thi năm nay có tới 293 thính giả từ 38 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự, không kể vòng sơ loại. “Điều khích lệ chúng tôi là thính giả rất hào hứng với cuộc thi. Thậm chí, khi cuộc thi chưa được phát động, nhiều thính giả người nước ngoài đã gửi email hỏi: Đài có tổ chức không, họ sẽ tham gia. “Có thính giả dự thi còn gửi kèm theo tặng phẩm cho Đài nhân 70 năm ngày thành lập”, bà Đoàn Thị Trung chia sẻ niềm vui.
thinh_gia_vov5_hvst.jpg
Ban Giám khảo cuộc thi "Bạn biết gì về Việt Nam" đang chấm bài dự thi. 

Nhận xét về bài dự thi năm nay, bà Đoàn Thị Trung cho hay: “Hầu hết các bài dự thi đều đáp ứng yêu cầu, trình bày đẹp, rõ ràng. Một số bài được chuẩn bị công phu, khoa học, kèm theo cả ảnh minh họa và các bảng biểu liên quan đến kinh tế Việt Nam, có phân tích, góp ý mang tính xây dựng. Nhiều thí sinh còn cập nhật những thông tin mở rộng, mới nhất, chú thích kỹ lưỡng, cho thấy sự đầu tư, tra cứu từ nhiều nguồn tài liệu và thể hiện hiểu biết rất sâu về Việt Nam và VOV”.

Ông Lê Quốc Hưng chia sẻ: “Nhiều bài thi ngập tràn cảm xúc, kỷ niệm của người dự thi đối với Việt Nam và Đài. Phải có những tình cảm chân thật, những cảm nhận tinh tế, sự hiểu biết về đất nước, con người Việt Nam và Đài TNVN thì mới có thể viết lên những dòng cảm xúc chứa chan, lay động lòng người đến vậy”.

Tiếng vang từ “Bạn biết gì về Việt Nam”

Thính giả người Nhật Bản, Toshimichi Ohtake, trong bài dự thi đã kể: Vào tháng Tám hằng năm, Câu lạc bộ Sóng ngắn của những người yêu thích sóng vô tuyến tổ chức cuộc điều tra thính giả, xem họ yêu thích và thường nghe đài phát thanh nào. Nếu cách đây 7 năm, VOV đứng thứ 7/15 đài quốc tế có chương trình phát thanh tiếng Nhật trên sóng ngắn thì năm 2014, VOV đã bật lên vị trí thứ 3. Đây là bằng chứng rõ nét nhất về sự phát triển của Đài TNVN trong 5 năm trở lại đây”.

Những thính giả đến từ châu Phi đã gửi lời nhắn: “Hoan nghênh VOV tổ chức sân chơi này, giúp chúng tôi mở rộng hiểu biết về một đất nước có nhiều điểm tương đồng về lịch sử, văn hóa cũng như các cuộc cách mạng giành độc lập. Một đất nước có quá khứ anh hùng, giờ đang nỗ lực để phát triển và vươn ra thế giới”. Thính giả Prigodich Nikolai Vladimirovich (Nga) chia sẻ: “Đài đã thiết lập cầu nối của tình hữu nghị và hòa bình với thính giả của nhiều quốc gia trên thế giới. Tham gia cuộc thi, tôi muốn tìm hiểu thêm về Việt Nam và muốn tự kiểm chứng rằng Việt Nam thực sự là một trong những nơi hấp dẫn nhất với nhiều khách du lịch”. Thính giả Kỷ Viễn (Trung Quốc) bày tỏ: “Cảm ơn Đài TNVN đã giúp tôi có thêm một cánh cửa nhìn ra thế giới bên ngoài, khiến tôi thêm yêu thêm đất nước láng giềng Việt Nam. Tham dự cuộc thi, điều quan trọng không phải được giải thưởng gì, mà là có cơ hội giao lưu và hiểu thêm về Việt Nam”. Thính giả Mitul Kansal (Ấn Độ) tâm sự: “Đài TNVN là nơi duy nhất tôi tin cậy về việc truyền tải những thông tin của Việt Nam đến thế giới”.

293 bài thi tham dự “Bạn biết gì về Việt Nam” không chỉ là tình cảm của 293 thính giả mà còn là tình cảm của người dân các nước dành cho Việt Nam và Đài TNVN. Ông Lê Quốc Hưng, Phó Giám đốc hệ VOV5 chia sẻ: “Bạn biết gì về Việt Nam” đã mang đến tình cảm chân tình mà thính giả nước ngoài dành cho Việt Nam và VOV. Trong thời kỳ bùng nổ công nghệ thông tin như hiện nay, đó là điều đáng trân trọng vô cùng.

Giải Nhất: Ông John Rutledge, quốc tịch Mỹ. Giải Nhì: Ông Prigodich Nikolai Vladimirovich (Belarus). 2 Giải Ba: Ông Triệu Á Đông (Trung Quốc); Ông Cedin Rosyad Nurdin (Indonesia). Và 10 giải Khuyến khích.