Tháng 5/2006, chị Kim Cúc, nguyên phóng viên Ban Đối nội Đài Tiếng nói Việt Nam, nhận được lời mời đến thăm nhà của một cựu chiến binh. Đó là Đại tá Đỗ Văn Học, ở thôn Đồng Tâm, xã Sầm Dương, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang.
Nhà báo Kim Cúc (áo xanh đeo kính) Đại tá Cựu chiến binh Đỗ Văn Học (ở giữa). Bên trái là bà Vũ Thị Bích Việt, lúc đó là Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang. Phóng viên Quang Đông (nay làm ở VTV) ngoài cùng bên phải. |
Khi nhận được lời mời, nhà báo Kim Cúc nhớ ngay ra ông Học. Dù chị gặp ông Học đã 27 năm.
Chị Kim Cúc kể, ngày 17/2/1979, khi nhà cầm quyền Trung Quốc đưa quân xâm lược nước ta, chị theo một mũi tiến công của bộ đội ta trên biên giới Hoàng Liên Sơn, khu vực Lào Cai.
Vào một đơn vị bộ đội, chị phỏng vấn một sĩ quan, sau đó phát trên buổi phát thanh Thời sự của Đài TNVN. Gia đình đồng chí sĩ quan đó nghe được, mừng lắm vì biết rằng người thân mình còn sống và đang chiến đấu. Ít lâu sau, chị nhận được lời cảm ơn nhà Đài của người sĩ quan đó.
Người sĩ quan đó là ông Đỗ Văn Học. Khi về hưu mang quân hàm đại tá và vẫn giữ thói quen bật đài nghe hàng ngày. Cũng chính “tiếng Đài” văng vẳng thoát ra từ ngôi nhà ngói ven đường khiến Quang Đông, một phóng viên thực tập tại Ban Thời sự Đài Tiếng nói Việt Nam đang đi công tác ngang qua, chú ý.
Quang Đông tìm vào và được ông Học đón tiếp niềm nở. Khi biết mình đang tiếp phóng viên nhà Đài, ông Học kể lại câu chuyện xưa và khẩn khoản nhờ Quang Đông chuyển lời mời chị Kim Cúc có dịp ghé thăm nhà.
Nhận được lời mời, chị Kim Cúc thật vui. Chị tâm sự: Khi mình thu thanh rồi phát trên làn sóng của Đài, nghĩ cũng bình thường thôi, vì trong cuộc chiến đấu ngày ấy, gặp bao nhiêu cán bộ, chiến sĩ, phỏng vấn bao nhiêu người. Không ngờ với mỗi cá nhân, với mỗi gia đình, thì một tiếng nói trên Đài quý giá biết chừng nào.
Ngày 2/6/2006, chị Kim Cúc cùng Quang Đông lên Tuyên Quang để về thăm nhà Đại tá Đỗ Văn Học.
Chị Vũ Thị Bích Việt, cô giáo dạy Toán cấp III của nhà báo Đồng Mạnh Hùng, Trưởng ban Thời sự hiện nay của Đài TNVN, lúc đó đang là Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang, phụ trách Văn-Xã, cũng thu xếp công việc đưa chị Kim Cúc về Sơn Dương.
Con đường từ quốc lộ 2 rẽ về Sơn Dương ngày ấy còn hoang sơ, cây cối tốt tươi. Dọc đường, chị Bích Việt say sưa giới thiệu với đoàn nhà Đài những dự tính của Tuyên Quang phát triển kinh tế - xã hội vùng Sơn Dương, nơi có Núi Hồng, có mái đình Hồng Thái, cây đa Tân Trào, có lán Nà Lừa nơi Bác Hồ làm việc. Có một giới thiệu làm mọi người ồ lên thú vị. Chỉ vào một nhóm cây ven đường, chị Bích Việt bảo đây là loại cây vào mùa thu lá đổ vàng.
Nhà thơ Tố Hữu viết thành thơ “Ve kêu rừng phách đổ vàng”. (Tra từ điển, mới biết cây đó còn gọi là cây lim sẹt). Đi một ngày đàng, học một sàng khôn. Các cụ bảo đúng thật.
Sơn Dương đang là mùa gặt. Ô tô lăn bánh chầm chậm trên những đoạn đường rải sỏi trải đầy rơm vàng. Mùi rơm mới thơm thoang thoảng. Trên bụi tre ven đường, có tiếng con chim nào kêu “khách, khách”…
Một góc sân nhà Đại tá Học phơi đầy những bắp ngô xuân vừa mới thu hoạch. Ông vẫn khoẻ mạnh, giản dị trong bộ quần áo bộ đội cũ. Nhà báo chiến trường Kim Cúc cũng vừa mới nghỉ hưu, gặp lại người lính chiến đấu năm xưa, cả hai cùng rơi nước mắt.
Ông Học bộc bạch, từng ấy năm chiến đấu, tôi vẫn nhớ tới nhà báo Kim Cúc, nhưng cũng không biết làm sao liên lạc được.
Được hỏi về chuyện hôm nay, Đại tá Đỗ Văn Học cười rất tươi, trần tình: "Tôi nghỉ hưu rồi, cũng tham gia sinh hoạt trong Hội Cựu chiến binh, bảo ban con cháu tu dưỡng rèn luyện, làm những việc có ích cho xã hội. Đặc biệt là những chuyện chiến đấu ngày xưa, bảo vệ Tổ quốc hôm nay, phải truyền cho con cháu biết".
“Không bao giờ để anh em phóng viên hối tiếc khi điều tra tiêu cực“
Thấm thoát đã 12 năm trôi qua kể từ lần nhà báo Kim Cúc tới thăm gia đình Đại tá Đỗ Văn Học. Mùa xuân năm nay, chị Kim Cúc muốn lên thăm lại gia đình bác Học, được tin bác đã qua đời. Chị tâm sự với chúng tôi rằng hai lần được gặp bác Đỗ Văn Học là hai kỷ niệm không thể nào quên trong cuộc đời của một nhà báo.
Kỷ niệm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam năm nay (2018), tôi chép ra đây kỷ niệm của một nữ phóng viên nhà Đài với một người người lính ngoài chiến trường, cũng là muốn góp thêm một kỷ niệm đẹp vào trang sử nhà Đài, của những người làm báo phát thanh.
Có một bài học mà tôi tâm đắc là: phóng viên nhà Đài nên lang thang đi bộ trên đường, vào xưởng máy, ra đồng ruộng và đừng bỏ qua dịp may được trò chuyện với những người ta gặp trên đường. Họ có thể là những bạn nghe Đài nhiệt thành và có những kỷ niệm không quên về làn sóng phát thanh của chúng ta./.