Với trách nhiệm đưa lại thông tin trung thực và có ý nghĩa đối với cộng đồng, nhiệm vụ của nhà báo chân chính không hề đơn giản, vì vậy, chuyện phim xoay quanh các nhà báo và môi trường báo chí luôn có sức hấp dẫn riêng.

Dưới đây là những bộ phim khắc họa nhà báo và ngành báo theo những cách nhìn đa chiều mà những ai công tác trong ngành này đều nên xem ít nhất một lần; ngay cả nếu bạn không làm báo, cũng vẫn sẽ bị cuốn hút bởi chuyện phim hay “kinh điển”:

Nightcrawler (Kẻ săn tin đen - 2014)

Chuyện phim kể về Lou Bloom, một phóng viên tự do chuyên đưa tin về các vụ tai nạn, những vụ ẩu đả xảy ra về đêm ở thành phố Los Angeles (Mỹ), sau đó bán lại các thước phim và thông tin cho đài truyền hình.

471497972046894_iicx.jpg

“Nightcrawler” đề cập rất sắc sảo về khía cạnh “gây sốt, gây sốc” trong báo chí truyền thông đương đại. Thoạt tiên, Lou Bloom chỉ là một phóng viên yêu nghề, rồi vì quá say nghề, càng lúc anh càng bị thôi thúc phải tìm ra bằng được những vụ việc “thật sốt, thật sốc”. Bản ngã của con người này đen tối dần, dẫn tới những sự việc kinh hoàng.

Phim đưa lại cách nhìn thẳng thắn đối với mặt trái của báo chí truyền thông hiện nay, khi những câu chuyện càng giật gân, gây sốc, càng ăn khách; nhưng, nếu cứ chạy theo con đường này để “có view” bằng mọi giá, hậu quả sẽ khôn lường. “Nightcrawler” từng nhận được đề cử Oscar cho Kịch bản gốc xuất sắc.

Zodiac (Sát nhân huyền thoại - 2007)

“Zodiac” lần theo cuộc săn đuổi một kẻ giết người hàng loạt tự xưng là “sát nhân huyền thoại”. Những vụ gây án của hắn được thực hiện gọn ghẽ đến mức gần như… hoàn hảo, khiến kẻ sát nhân đắc ý, chế nhạo lực lượng cảnh sát, cả gan “dắt mũi” báo chí ở vùng vịnh San Francisco (Mỹ). Hắn còn để lại những tin nhắn bí ẩn để thách thức lực lượng chức năng tìm ra mình.

Vụ việc đã khiến một họa sĩ chuyên vẽ tranh biếm họa cho một tờ báo ở địa phương rất quan tâm và âm thầm trở thành một thám tử tham gia vào cuộc săn đuổi kẻ sát nhân. “Zodiac” khiến người xem hiểu về những “cơn say nghề” mà chỉ những con người nhiệt huyết mới có.

Phim có sự tham gia của những nam diễn viên nổi tiếng như Jake Gyllenhaal, Mark Ruffalo và Robert Downey. “Zodiac” từng được chuyên trang điện ảnh của hãng tin BBC (Anh) bình chọn ở vị trí 12/100 phim hay nhất của thế kỷ này.

“Zodiac” là cuộc đấu trí không ngưng nghỉ của phóng viên và cảnh sát trong vụ việc săn đuổi kẻ sát nhân, cả hai bên đều cố gắng làm tốt phần việc của mình, đồng thời vẫn phải luôn giữ lý trí tỉnh táo, phải tuân theo những giới hạn mà nghề nghiệp đặt ra.

All the President’s Men (Đoàn tùy tùng của Tổng thống - 1976)

Chuyện phim kể về hai nhà báo Mỹ có thật - Carl Bernstein và Bob Woodward của tờ Washington Post, họ là những người đã điều tra vụ bê bối chính trị Watergate, một trong những vụ scandal lớn nhất từng xảy ra trong lịch sử chính trường Mỹ, dẫn tới việc Tổng thống Richard Nixon phải từ chức.

Dù là bộ phim kể lại câu chuyện có thật mà rất nhiều người có thể đã “thuộc nằm lòng”, nhưng phim vẫn gây ấn tượng về cách xây dựng kịch bản, giúp đưa lại tượng vàng Oscar cho biên kịch.

“All the President’s Men” cho thấy hai nhà báo tâm huyết đã làm thay đổi một phần lịch sử nước Mỹ như thế nào. Cùng đề cập tới câu chuyện này, còn có hai bộ phim khác mà người xem có thể tham khảo: “Nixon” (1995 - phim của đạo diễn Oliver Stone) và “Frost/Nixon” (2008 - phim của đạo diễn Ron Howard).

The Passenger (Hành khách - 1975)

Phim do nam diễn viên Jack Nicholson diễn xuất chính, kể về một nhà báo truyền hình có tên David Locke, đang thực hiện một bộ phim tài liệu ở Châu Phi. Thoạt tiên, David rất nản lòng vì anh không thể hoàn tất tác phẩm, do không tìm được những phiến quân nổi dậy để phỏng vấn.

Khi quay trở về khách sạn, David biết rằng Robertson, một người đàn ông cùng trọ tại khách sạn với mình, vừa qua đời đột ngột. Đang cảm thấy chán nản với cuộc sống của mình, David liền quyết định tráo đổi danh tính với Robertson, mà không hề biết rằng người đàn ông này thật ra là một kẻ buôn lậu vũ khí có mối liên hệ với những phiến quân nổi dậy.

Bộ phim khắc họa đầy đủ những khía cạnh trong cuộc sống của một nhà báo, cho dù đó là một nhà báo danh tiếng, cũng không thể hoàn toàn xử lý ổn thỏa, hay có thể đối thoại thẳng thắn về những nỗi thất vọng trong cuộc sống của mình.

Điều mà bộ phim hướng tới chính là những câu chuyện không thể đưa tin, không thể chuyển tải, là những bất lực của một nhà báo ngay trong chính cuộc sống của mình. “The Passenger” là một phim làm về tâm lý nghề báo rất sâu sắc.

La Dolce Vita (Cuộc sống ngọt ngào - 1960)

Bộ phim từng giành giải Cành Cọ Vàng của Liên hoan phim Cannes và là một trong những phim hay nhất của điện ảnh Ý. Phim theo chân Marcello Rubini, một nhà báo chuyên về mảng đời sống. Thường ngày có cơ hội gặp gỡ, giao tiếp với những con người được vị nể trong xã hội, nhưng Rubini vẫn luôn có những vật vã trong nội tâm.

Anh cố gắng làm sao để là một cây viết nghiêm túc trong từng bài báo của mình, làm sao để tìm thấy cái Tôi ý nghĩa trong công việc.

Đã có nhiều bộ phim tiếp cận về nghề báo từ khía cạnh điều tra, nhưng “La Dolce Vita” là một chuyện phim kiểu khác, rất nhẹ nhàng, kể về một người đàn ông làm báo, với những tin bài không hiểm nguy, không cam go, không đòi hỏi những cuộc đấu trí hay một bản lĩnh lớn, nhưng anh vẫn luôn muốn thật nghiêm túc và có trách nhiệm với nghề.

Citizen Kane (Công dân Kane - 1941)

Sẽ là thiếu sót nếu bài điểm phim này thiếu đi “Citizen Kane” - một phim được giới phê bình điện ảnh đánh giá cao. “Citizen Kane” kể về một nhóm nhà báo cố gắng tìm hiểu xem từ cuối cùng mà ông trùm truyền thông Charles Foster Kane nói trước lúc qua đời có nghĩa là gì.

Toàn bộ phim là một tổng hòa hoàn hảo từ kịch bản cho tới diễn xuất, trên tất cả, đó là sự thú vị trong các cách kể khác nhau về nhân vật “công dân Kane” từ các góc nhìn. Phim cho thấy cách tiếp cận vấn đề sẽ quyết định cách khắc họa nhân vật - sự việc như thế nào.

“Citizen Kane” cho tới giờ vẫn còn nguyên sức nặng sau năm tháng khi khắc họa rất hay về báo chí và sức mạnh của một câu chuyện có sức nặng./.