Gia cầm thiếu giấy tờ kiểm dịch được bán tràn lan tại các chợ vùng cao. |
Theo Ủy ban Y tế và Kế hoạch hóa gia đình Quốc gia Trung Quốc (NHFPC), kể từ ngày 24/2-2/3, nước này đã ghi nhận 22 trường hợp nhiễm H7N9, trong đó có 4 ca tử vong.
Là tỉnh giáp danh với Trung Quốc, Quảng Ninh chưa có trường hợp nào mắc cúm A/H7N9 trên người. Nhưng trong 2 tháng đầu năm 2017 vẫn ghi nhận 4 ổ dịch cúm A/H5N6 trên gia cầm tại các huyện Ba Chẽ, Đầm Hà, Hải Hà.
Theo ghi nhận của phóng viên VOV tại các chợ ở khu vực huyện Hải Hà, tình hình quản lý buôn bán, giết mổ gia súc tại các chợ khu vực biên giới vẫn còn lỏng lẻo, tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh.
Mặc dù đã được thông báo về việc hạn chế mua bán, giết mổ gia cầm sống trong thời điểm dịch cúm đang lây lan, nhưng khu mua bán mặt hàng này vẫn hoạt động khá nhộn nhịp.
Nhiều người tiêu dùng thờ ơ với những nguy cơ tiềm ẩn tại đây mà vô tư đến chọn gà, vịt sống rồi thuê giết mổ ngay tại chợ mà ít khi băn khoăn đến xuất xứ, nguồn gốc.
Các lồng gia cầm được bày bán dọc trong chợ. |
Chị Nguyễn Thị Thoa trú tại huyện Hải Hà chia sẻ: “Thường mình mua cả con có thể phát hiện ra nó khỏe hay không chứ còn bây giờ mọi người toàn làm lông hết rất khó phát hiện, cũng lo ngại. Từ ngày nghe có dịch cũng ít sử dụng hơn, chủ yếu dùng đồ khác, với nếu sử dụng sẽ mua những nhà quen họ nuôi gà thì ăn. Ở đây gà bán không có dấu, hầu như cứ người quen mua ăn thôi thật ra không có dấu, chứ nguồn gốc chưa rõ lắm”.
Bên cạnh đó, các tiểu thương kinh doanh mặt hàng gia cầm tại chợ đều khẳng định nguồn gốc sạch của sản phẩm đang bán nhưng lại không thể đưa ra bất cứ giấy tờ kiểm dịch nào để chứng minh.
Mỗi điểm bán thường có vài chục đến cả trăm con gà, vịt, ngan,…được nhốt trong lồng, đặt trên lề đường hoặc ngay trong chợ. Nhiều lồng gia cầm được bày ngay cạnh với các gian hàng bán thịt lợn, thịt bò, rau, củ, quả, đồ khô… không đảm bảo các điều kiện về an toàn thực phẩm.
Tại khu chợ thuộc huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh, bất kì người bán gà nào khi được hỏi cũng khẳng định hàng hóa mà họ bán là sản phẩm "cây nhà lá vườn" của địa phương. Theo họ thì chỉ cần sử dụng mắt thường là có thể xác định những con gà khỏe mạnh và không cần giám định của cơ quan chức năng.
Một tiểu thương tại chợ thị trấn Tiên Yên cho biết: “Gà của mình ở đây, tức là những con nào nó khỏe mạnh nhìn là biết rồi, gà tự mổ mang đi bán, làm cẩn thận. Gà dịch kiểu gì cũng đỏ đỏ, thâm thâm, nó không bình thường, gà rù rù hen hen nó không được bao giờ được như thế này, kiểu gì cũng đỏ đỏ”.
Các tiểu thương khẳng định đều là sản phẩm của địa phương. |
Quảng Ninh có đường biên giới dài trên 250km, cùng với đó là hệ thống đường mòn, đường tiểu ngạch chằng chịt nên nguy cơ lây nhiễm và bùng phát dịch bệnh rất cao do việc vận chuyển gia súc, gia cầm vẫn còn diễn ra.
Bên cạnh đó, ý thức và sự hiểu biết của đồng bào khu vực vùng cao, biên giới còn hạn chế do hoàn cảnh kinh tế khó khăn. Ông Ngô Ngọc Vũ, Phó đội trưởng đội quản lý thị trường số 8, Chi cục QLTT tỉnh Quảng Ninh cho biết, những ngày qua, đơn vị đã lên phương án phối hợp với các lực lượng Hải quan, Biên phòng thực hiện công tác phòng, chống dịch cúm A/H7N9.
“Kiểm tra kiểm soát gia súc, gia cầm đang là biện pháp phòng ngừa, thường xuyên tuần tra kiểm soát trên địa bàn toàn huyện về nguồn gốc hàng hóa vào địa bàn hay là những hộ dân kinh doanh từ khâu lưu thông trên địa bàn chợ trung tâm. Anh em cũng kiểm tra kiểm soát về nguồn gốc hàng hóa nếu mà phát hiện hàng hóa vi phạm sẽ tiêu hủy theo quy định và xử phạt hành chính” - ông Ngô Ngọc Vũ cho biết.
Trong thời gian tới, các lực lượng chức năng Quảng Ninh tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền cho nhân dân, đặc biệt là những đồng bào ở vùng cao, biên giới hiểu rõ được những nguy cơ tiềm ẩn có thể gây bùng phát dịch cúm A/H7N9.
Các địa phương trên địa bàn tỉnh phấn đấu thực hiện tiêm phòng đợt 1 cho đàn gia súc, gia cầm xong trong tháng 3 này, đồng thời quyết liệt ngăn chặn, kiểm soát việc vận chuyển, kinh doanh gia cầm không rõ nguồn gốc và việc giết mổ gia cầm tại các chợ vùng cao, biên giới./.Gia cầm không rõ nguồn gốc được bày bán tràn lan ở Móng Cái