Hàng trăm hộ dân ven biển ở các huyện Quảng Điền, Phú Vang, Phú Lộc… đối mặt với nguy cơ mất đất, nhà cửa do bờ biển xâm thực sâu.

mua_bao_vov_hfst.jpg
Sạt lở bờ biển tại xã Vinh Hải, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Sau đợt mưa lớn vừa qua, bờ biển tại các thôn An Dương và Hòa Duân, xã Phú Thuận, huyện Phú Vang tan hoang vì sóng dữ. Nhiều đoạn, biển ăn sâu vào nhà dân. Những khóm dứa dại, hàng cây lâu năm mọc sát bờ biển bị sóng đánh trơ gốc. Nhiều trại nuôi tôm cũng bị sóng đánh sập, trơ móng phải bỏ hoang.

Ông Ngô Đổng, người dân ở thôn An Dương, xã Phú Thuận, huyện Phú Vang cho hay: Những năm gần đây, tình trạng sạt lở diễn ra với tốc độ rất nhanh: “Từ bão năm 1985 đến bây giờ biển sạt lở mất gần một cây số đất. Tính từ thôn An Dương ở đây lên tới thôn Hoà Duân sạt lở chiều dài 5 cây số. Cái này nhờ cấp trên nghiên cứu răng chứ ở nơi đây là đi di tản hết cả”.

Hơn 30 km bờ biển của tỉnh Thừa Thiên-Huế bị sạt lở nặng.

Sau mấy trận mưa lớn, hơn 30km bờ biển ở tỉnh Thừa Thiên-Huế bị sạt lở, trong đó có 12 điểm sạt lở nghiêm trọng, đe doạ cuộc sống hơn 2.000 hộ dân. Tại xã Vinh Hải, huyện Phú Lộc, bờ biển bị xâm thực sâu kéo dài, nước biển tràn vào đồng ruộng, người dân không thể canh tác. Khu vực neo đậu thuyền của ngư dân có nguy cơ bị sóng biển cuốn trôi bất cứ lúc nào.

Ông Lê Thanh Năm, người dân ở thôn 4, xã Vinh Hải cho biết: Sạt lở bờ biển ảnh hưởng đến 250ha hoa màu lẫn vùng nuôi trồng thủy sản. Người dân cùng chính quyền địa phương làm mọi cách, từ trồng phi lao, đến dùng rọ đá, bê tông và mới đây là đóng cọc tre để hạn chế sạt lở nhưng chẳng ngăn nổi những cơn sóng dữ: “Sạt lở bờ biển  ảnh hưởng chung toàn bộ nhân dân của xã Vinh Hải, 4 km bờ biển nhưng hết 2,5 km bị sạt lở và sóng xoá ngang, ngư dân gặp nhiều khó khăn trong việc đậu thuyền hoặc đánh bắt. Về diện tích  lúa rất ít nhưng do sạt lở bờ biển, xâm nhập nước mặn, từ chỗ đó nhân dân của xã Vinh Hải cũng gặp nhiều khó khăn”.

Khu vực neo đậu thuyền của người dân Vinh Hải bi mất dần do sạt lở.

Đầu năm nay, HĐND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã thống nhất chủ trương đầu tư xây dựng dự án kè chống sạt lở bờ biển khẩn cấp đoạn Thuận An - Tư Hiền, dài hơn 3 km với tổng kinh phí hơn 300 tỷ đồng. Dự án thực hiện trong 3 năm, tập trung bảo vệ khu dân cư của 5 xã vùng bãi ngang ven biển, bảo vệ 1.300 hộ dân, hơn 450 ha lúa, 85 ha nuôi trồng thủy sản.

Ông Đặng Văn Hòa, Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, thời gian qua nhiều tuyến đê kè chống sạt lở bờ biển đã phát huy hiệu quả nhưng cũng chỉ là giải pháp tạm thời. Hiện địa phương đang tính toán phương án đầu tư chống sạt lở phù hợp và lâu dài. Trước mắt, tỉnh ưu tiên chống sạt lở tại các điểm sạt lở nặng. 

Theo ông Đặng Văn Hòa, nguồn kinh phí chống sạt lở lâu dài cần khoảng 1.700 tỷ đồng: “Hiện nay tỉnh đã có chủ trương cho kè chống sạt lở bờ biển khẩn cấp đoạn Thuận An-Tư Hiền chủ yếu tập trung hai điểm qua xã Vinh Thanh với chiều dài 570mét và đoạn qua xã Vinh Hải là khoảng 2.520 mét. Kè xử lý theo giải pháp đóng cọc lasen để giữ chân sau đó lát mái bằng bê tông. Mục tiêu ngăn chặn lở, bảo vệ bờ biển đoạn Thuận An - Tư Hiền, bảo vệ trực tiếp khu dân cư tập trung của 5 xã bãi ngang ven biển

”./.