Từ nhiều năm nay, ở khu phố cổ Hà Nội tồn tại cảnh hàng nghìn hộ dân sinh sống trong những căn phòng chật chội, xuống cấp, nhưng nhiều gia đình vẫn phải ở nhờ vì họ chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, khi thành phố Hà Nội có chủ trương di dân phố cổ thì nhiều hộ lại không mấy mặn mà. Đối với họ, việc phải thay đổi thói quen sinh hoạt từ hàng chục năm nay là điều không dễ, nhất là những băn khoăn về điều kiện sống và vấn đề đảm bảo thu nhập nơi ở mới.

Đặc điểm dễ nhận thấy của khu phố cổ Hà Nội, mỗi số nhà là con hẻm tối sâu hun hút, hẹp đến nỗi chỉ vừa một người đi. Trong hẻm, ít thì có 4-5 hộ, nhiều thì như một “khu tập thể nhỏ” có đến hàng chục gia đình sinh sống, với ngót ngét 100 người.

pho-co.jpg
Gần 10 gia đình trên phố Hàng Bạc chung nhau khu vệ sinh, bể nước nhỏ xíu (Ảnh: An ninh Thủ đô)

Số nhà 53 Hàng Buồm, có gần 50 hộ với trên dưới 200 khẩu đang sinh sống, chính quyền địa phương đã thành lập tổ dân phố số 37 ngay trong số nhà này. Lối đi chung dẫn đến nơi ở của từng hộ tối om. Càng đi sâu vào bên trong càng thấy rõ được sự hun hút, bức bối và cả mùi ẩm mốc. Tường gạch tróc vữa, bộ cửa mất cánh chỉ còn trơ khung gỗ, cầu thang gần như dựng đứng. Thậm chí, khoảng không trên nóc nhà vệ sinh cũng được tận dụng làm chỗ ở, bên dưới chứa đồ đạc bề bộn.

Bà Đỗ Thị Dựng, Tổ phó Tổ dân phố số 37, phường Hàng Buồm cho biết: “Nhà này đã có trên 100 năm rồi, sinh hoạt cũng phức tạp. Một số nhà do chật chội, dân người cũng chán nản. Có nhà chỉ khoảng 12 m2. Bao nhiêu năm các hộ dân yêu cầu được sửa chữa, rồi làm sổ đỏ, nhưng cũng không làm được”.

Theo bà Đỗ Thị Dựng, nỗi khổ nhất của người dân trong phố cổ có lẽ là khi nhà có công to việc lớn. Lúc cưới hỏi, nhà nào có điều kiện khá giả một chút thì thuê nhà hàng, khách sạn, còn không thì đành mượn tạm bãi xe công cộng dưới gầm cầu Long Biên để tổ chức. Do chật chội, nhiều hộ có diện tích sử dụng chỉ hơn 10 m2, buộc phải làm thêm gác xép, tận dụng lối đi chung làm nơi để đồ đạc, bếp nấu…

Thế nhưng, khi vận động dãn dân đến nơi ở mới thì nhiều người không  hưởng ứng. Anh Bạch Văn Thông, 1 trong 10 gia đình sống tại số 49, phố Mã Mây chia sẻ, mặc dù sống chật chội ra vào con hẻm rộng chưa đầy 1 m nhưng ở đây mấy đời quen rồi nên không muốn thay đổi. Ở phố cổ, chỉ vài mét vuông mặt đường, có thể mở cửa hàng kinh doanh hoặc cho thuê là có tiền nuôi sống cả gia đình.

Còn bà Bùi Thị Đức, ở số 27 Hàng Bạc cho biết, mặt tiền của căn nhà bà cho tiệm bán vàng thuê với giá 5 triệu đồng một tháng. Khu phố này, nhiều gia đình sinh sống mấy chục năm nay không muốn di dời vì họ chỉ là người thuê hay tạm cư sau khi chiến tranh, vì vậy, họ sẽ không đủ cơ sở để được cấp nhà.

Ông Nguyễn Quốc Hoa, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cho biết: Đến năm 2014 – 2015, thành phố Hà Nội sẽ di chuyển khoảng 1.800 hộ sống trong các khu liền kề di tích, trường học, công sở, nhà đông hộ và nhà cổ có giá trị đặc biệt cần bảo tồn trong khu phố cổ sang Khu đô thị mới Việt Hưng, quận Long Biên.

Ông Hoa nói: “Dự án dãn dân phố cổ đã đặt ra rất lâu, nhưng đây là vấn đề lớn. Trước hết, người dân phải đồng tình vì họ mới là yếu tố quyết định. Thứ hai là liên quan đến bố trí quỹ đất, làm sao đưa dân sang bên đó để họ tiếp tục duy trì, phát triển kinh tế đi đôi với công trình đảm bảo chất lượng. Bên cạnh đó, Nhà nước chưa đủ điều kiện để làm toàn bộ việc này. Theo tôi, cần có cơ chế chính sách hợp lý để người dân được hưởng lợi tốt hơn chỗ ở hiện tại thì họ mới sẵn sàng”.

Khu phố cổ Hà Nội có diện tích hơn 80 ha, gồm 10 phường của quận Hoàn Kiếm. Đề án giãn dân phố cổ đến nơi ở mới đang trong giai đoạn triển khai rất cần sự đồng thuận cao của người dân để nhiều gia đình không phải sống trong cảnh “ở khổ, đi khó”./.