Chính sách sử dụng và đãi ngộ đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục còn những bất cập, khiến đời sống của đội ngũ nhà giáo - yếu tố quyết định chất lượng giáo dục còn khó khăn. Bởi vậy, đảm bảo và nâng cao hơn nữa đời sống của giáo viên là vấn đề được đặt ra cấp thiết.
Giáo viên miền núi cần có chế độ hỗ trợ, ưu đãi nhiều hơn |
TSKH Vũ Ngọc Hải, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cũng nhận định: “Chính sách sử dụng và đãi ngộ đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục còn có những bất cập, chưa tạo động lực cho đội ngũ này xây dựng và phát triển nền giáo dục chất lượng. Điều kiện làm việc và sinh sống của đội ngũ nhà giáo đang rất đáng lo ngại, nhất là nhà giáo ở các vùng núi, vùng xa và hải đảo. Vì thế, cần chuẩn hóa các chính sách thu nhập, đảm bảo lương cho đội ngũ nhà giáo tương đồng với các ngành nghề khác”.
Ông Trần Quốc Anh, Phó Trưởng Phòng GD-ĐT huyện U Minh, tỉnh Cà Mau nêu, cải thiện điều kiện sống, giảng dạy cho giáo viên vùng khó khăn là một trong những nhiệm vụ không thể trì hoãn. Huyện U Minh có gần 800 giáo viên ở các bậc học. Năm 2011, có 90 căn nhà công vụ được khởi công xây dựng, một số ít đã bắt đầu đưa vào sử dụng để phục vụ cho những giáo viên khó khăn. Tuy nhiên, số nhà công vụ đang triển khai cũng chỉ đáp ứng một phần nhu cầu của giáo viên. Thiếu nhà công vụ, điều kiện sinh hoạt quá khó khăn khiến một bộ phận giáo viên chuyển ngành, chính là vấn đề nhức nhối trong ngành giáo dục ở vùng sâu, vùng khó khăn hiện nay.
Theo báo cáo của Bộ GD-ĐT về tình hình thực hiện đề án kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2008 - 2012: Giai đoạn này, đã triển khai xây dựng được 75.932 phòng học và 21.435 phòng công vụ cho giáo viên. Trong đó, số phòng công vụ đã hoàn thành đưa vào sử dụng là 17.222 phòng (đạt 71,2%); số đang xây dựng và chưa triển khai là 7.000 phòng. |
Ông Bùi Mạnh Nhị, Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ, Bộ GD-ĐT cho biết: Từ năm học 2011-2012, chế độ phụ cấp thâm niên nhà giáo theo Nghị định số 54/2011/NĐ-CP được thực thi. Khi được hưởng phụ cấp thâm niên, ước tính thu nhập của nhà giáo bình quân tăng khoảng 465.000 đồng/người/tháng. Chính sách này thể hiện sự quan tâm, động viên của Nhà nước, của nhân dân đối với đội ngũ hơn 1 triệu nhà giáo đang làm nhiệm vụ giáo dục cho hơn 22 triệu học sinh, sinh viên cả nước, từ mầm non đến đại học.
“Thời gian tới, chế độ ưu đãi đối với giáo viên, nhất là giáo viên ở các vùng khó khăn sẽ được Đảng, Nhà nước quan tâm hơn” - Ông Bùi Mạnh Nhị nhấn mạnh./.