Kết thúc ngày cuối cùng của phiên họp cấp cao Đại hội đồng Liên Hợp Quốc về HIV/AIDS vào ngày 10/6, các nhà lãnh đạo trên thế giới đã thống nhất và ra Tuyên bố Chính trị của Liên Hợp Quốc năm 2016 về kết thúc dịch AIDS, khẳng định toàn thế giới sẽ “Dồn tổng lực để đạt được mục tiêu này vào năm 2030”.

Dồn tổng lực để chấm dứt đại dịch HIV

Các mục tiêu và cam kết được đưa ra trong Tuyên bố đó là: Dồn tổng lực để đẩy nhanh tiến độ phòng, chống HIV và kết thúc dịch AIDS vào năm 2030 sẽ dẫn dắt toàn thế giới trong các nỗ lực nhằm củng cố mối liên kết giữa việc giải quyết các vấn đề về y tế, phát triển, bất công, bất bình đẳng, nghèo đói và xung đột.

Tuyên bố kêu gọi toàn thế giới nỗ lực để đạt được các mục tiêu như: Đến năm 2020, giảm số nhiễm HIV mới trên toàn thế giới xuống ít hơn 500.000 người; đến năm 2020, giảm số tử vong do AIDS trên toàn thế giới xuống ít hơn 500.000 người; đến năm 2020, xóa bỏ kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV. 

img_2962_oiby.jpg
Bác sĩ tư vấn cho người nhiễm HIV (Ảnh: PV)

Tuyên bố Chính trị 2016 khẳng định rằng, những mục tiêu này chỉ có thể đạt được khi có sự tham gia chủ động và mạnh mẽ của người nhiễm HIV, các nhóm cộng đồng và các tổ chức xã hội dân sự. 

Liên Hợp Quốc cho biết, tính đến cuối năm 2015, số người nhiễm HIV được điều trị ARV đã đạt 17 triệu, vượt mức chỉ tiêu đặt ra là 15 triệu. Cũng trong năm 2015, các nhà lãnh đạo thế giới đã cam kết đảm bảo rằng 90% tổng số người nhiễm HIV (bao gồm cả trẻ em, người vị thành niên và người lớn) sẽ biết được tình trạng nhiễm của mình, 90% số người đã biết tình trạng nhiễm sẽ được điều trị ARV và 90% (mục tiêu 90 – 90 – 90) số người tham gia điều trị ARV sẽ đạt được tải lượng HIV dưới ngưỡng ức chế.

Thực hiện mục tiêu 90 – 90 - 90 về điều trị để đảm bảo đến năm 2020 sẽ có 30 triệu người nhiễm HIV được điều trị ARV; bảo đảm đến năm 2018 sẽ có 1,6 triệu trẻ em nhiễm HIV được điều trị ARV. Các quốc gia cũng cam kết khẩn trương giải quyết tình trạng bao phủ điều trị ARV còn thấp trong trẻ em nhiễm HIV.

Ước tính, mỗi ngày trên thế giới lại có thêm 2.000 ca nhiễm HIV mới trong thanh niên, chiếm 1/3 tổng số các ca nhiễm mới, nhưng chỉ có 28% số nữ thanh niên có kiến thức đúng về HIV. Các nhà lãnh đạo thế giới đã cam kết hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi để thanh niên đóng một vai trò cốt lõi hơn trong công tác phòng, chống AIDS, thông qua thúc đẩy việc thực hiện đầy đủ các quyền về chăm sóc sức khỏe và giáo dục toàn diện về sức khỏe tình dục, sức khỏe sinh sản và dự phòng lây nhiễm HIV.

Tuyên bố Chính trị 2016 cũng khẳng định tầm quan trọng của tiếp cận phổ cập tới chăm sóc sức khỏe tình dục và sức khỏe sinh sản, cùng các quyền về sức khỏe sinh sản. Cam kết thực hiện bình đẳng giới, đầu tư nâng cao năng lực cho phụ nữ, và chấm dứt mọi hình thức bạo hành và phân biệt đối xử với phụ nữ và trẻ em gái, nhằm nâng cao năng lực tự bảo vệ mình của phụ nữ và trẻ em gái tránh khỏi bị lây nhiễm HIV. Sự tham gia của nam giới và các trẻ em trai trong những vấn đề này là không thể thiếu được.

Tuyên bố Chính trị 2016 khẳng định, công tác phòng, chống AIDS sẽ thúc đẩy tiến độ thực hiện toàn bộ Chương trình nghị sự đến năm 2030 vì phát triển bền vững. Tuyên bố kêu gọi thực hiện chăm sóc sức khỏe toàn dân và tiếp cận phổ cập đến các dịch vụ bảo trợ xã hội.

Các quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc đã thông qua các mục tiêu rộng hơn nhưng có liên quan tới HIV và tiếp tục khẳng định tầm quan trọng của việc sử dụng cách tiếp cận lồng ghép và tổng hợp nhằm giải quyết một loạt các vấn đề về y tế, bao gồm bệnh lao, viêm gan B và C, ung thư cổ tử cung, u nhú ở người, các bệnh không truyền nhiễm, các bệnh mới xuất hiện và bệnh tái bùng phát.

Các quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc cũng kêu gọi hiện thực hóa mục tiêu đóng góp được 13 tỷ USD cho vòng gây quỹ thứ 5 của Quỹ Toàn cầu phòng, chống AIDS, Lao và Sốt rét. Các quốc gia khuyến khích sự tham gia mang tính chiến lược của khu vực tư nhân vào công tác phòng, chống AIDS nhằm hỗ trợ về đầu tư và cung cấp dịch vụ, củng cố hệ thống mua sắm, các sáng kiến ở nơi làm việc, tiếp thị xã hội các vật phẩm y tế và thay đổi hành vi. Đến năm 2020, đạt mức đầu tư ít nhất là 26 tỷ USD cho nguồn lực phòng, chống AIDS.

Ở Việt Nam, nhiễm HIV không còn bị coi là tội lỗi

Tại Hội nghị này, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã có bài phát biểu quan trọng, nhấn mạnh giờ đây, tình hình đã khả quan hơn rất nhiều; công tác dự phòng lây nhiễm HIV được đẩy mạnh. Ngày càng có nhiều người nhiễm HIV được điều trị để tiếp tục sống khỏe. Kỳ thị và phân biệt đối xử đã giảm dần.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh: “Chúng ta không thể quên rằng trong năm vừa qua vẫn có gần 2 triệu người mới nhiễm HIV. Rất nhiều người trong số họ là phụ nữ. Vẫn còn hơn 20 triệu người nhiễm HIV chưa được điều trị ARV. Giờ phút này, trong khi tôi đang phát biểu, thế giới lại có thêm khoảng 20 người mới nhiễm HIV”. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam khẳng định, Chính phủ Việt Nam luôn coi phòng, chống HIV/AIDS là một trong những nhiệm vụ ưu tiên cao nhất. Dịch HIV ở Việt Nam nhìn chung đã được kiểm soát. Nhiễm HIV không còn bị coi là một tội lỗi. Người nhiễm HIV được coi là những người bệnh cần được chăm sóc và điều trị. Việt Nam chỉ có thể đạt được những thành tựu này với sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế và các nhà tài trợ.

Mặc dù dịch HIV đã bước đầu ổn định, nhưng Việt Nam vẫn đang tiếp tục đầu tư thêm nguồn lực cho công tác phòng, chống HIV/AIDS. Việt Nam cũng là quốc gia đầu tiên ở châu Á – Thái Bình Dương hưởng ứng và cam kết thực hiện mục tiêu 90 – 90 - 90. Tuy nhiên, cũng như các quốc gia đang phát triển khác, Việt Nam vẫn tiếp tục rất cần mối quan hệ hợp tác quốc tế trong phòng, chống HIV/AIDS./.