Thông tin tại Hội thảo về công tác chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS, do Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam phối hợp với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tổ chức hôm nay (23/4) tại Hà Nội cho thấy, theo thống kê nước ra hiện có khoảng 187.630 trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS.

Điều đáng nói là số trẻ này được tiếp cận các dịch vụ quá thấp, mới chỉ đạt khoảng 50%; chưa thiết lập được mạng lưới kết nối và cung cấp các dịch vụ chăm sóc, hỗ trợ cho nhóm trẻ này; sự kỳ thị, phân biệt đối xử dẫn đến mất bình đẳng giữa các em vẫn diễn ra.

img_7740_sywr.jpg
TS. Trần Thị Thanh Thanh phát biểu tại hội thảo

TS. Trần Thị Thanh Thanh, Chủ tịch Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam cho biết, ngày 22/4/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 570 phê duyệt “Kế hoạch hành động Quốc gia về trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS giai đoạn 2014 – 2020”. Trong đó đặt ra mục tiêu: phấn đấu 90% trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS trong diện quản lý được cung cấp các dịch vụ y tế, giáo dục, tư vấn, hỗ trợ dinh dưỡng và phát triển thể chất, chăm sóc thay thế, vui chơi giải trí và các chính sách xã hội theo quy định; 100% trường học tạo cơ hội cho trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS được đi học theo nhu cầu…

Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam với tư cách là một tổ chức xã hội, được giao sứ mạng phấn đấu vì mục đích làm cho trẻ em được hưởng các quyền cơ bản, trọng tâm là nhóm trẻ có hoàn cảnh đặc biệt, trong những năm qua đã tích cực tham gia vào lĩnh vực hoạt động này. Đặc biệt, Chi hội Bảo vệ quyền trẻ em CLB Vì Ngày mai tươi sáng (Bắc Ninh) được thành lập, tạo môi trường sinh hoạt, chia sẻ, hỗ trợ các thành viên gia đình bị HIV/AIDS có trẻ em bị ảnh hưởng.

Chị Phạm Thị Hiền, Chi hội Vì Ngày mai tươi sáng cũng chia sẻ những khó khăn trong hoạt động, nhất là trẻ nhiễm HIV đến trường. Khi nhà trường, phụ huynh học sinh hoặc xóm làng bàn tán về việc cháu nào đó nhiễm HIV, hoặc nghi ngờ cháu đến trường, cháu bé và gia đình sẽ phải được yêu cầu xét nghiệm hoặc xuất trình giấy tờ xét nghiệm, có thể bị từ chối nhập học, hoặc bị ăn riêng, mang cốc uống nước riêng, ngồi một mình, không được tham gia các hoạt động tập thể…

“Điều  này đã vi phạm quyền học tập, vui chơi của trẻ, kỳ thị phân biệt đối xử với trẻ đó” – chị Hiền chia sẻ.

Chị Phạm Thị Hiền cũng đề nghị cần có chính sách tặng thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ nhiễm HIV để các cháu được khám chữa bệnh và giảm chi phí cho gia đình. Xã hội cũng cần quan tâm hơn nữa đến nhóm trẻ yếu thế này, tạo cơ hội cho các em nhận thấy giá trị của bản thân qua sự nhìn nhận không kỳ thị, phân biệt đối xử; hoặc có chính sách tạo cơ hội học nghề, việc làm cho nhóm trẻ là con của người nhiễm HIV./.