Tại Đắc Lắc, ảnh hưởng bão số 7 đã gây mưa liên tục. Chính quyền địa phương, Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn các cấp, cùng các lực lượng chức năng đã triển khai kế hoạch với phương châm 4 tại chỗ để sẵn sàng ứng phó với mưa lũ.
Tại huyện Krông Ana, suốt ngày hôm nay, chính quyền và các lực lượng vũ trang đã trực sẵn sàng ứng phó tại các công trình đê bao, hồ đập có nguy cơ nếu có mưa lũ lớn. Ông Ngô Đức Phú, thành viên Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão huyện cho biết: Trên địa bàn huyện có tuyến đê bao dài 42km và 1 kè sông dài gần 1 km là nơi chịu nhiều nguy hiểm khi có mưa lũ, ngập úng. Từ hơn tuần qua, địa phương đã tổ chức gia cố, khắc phục hư hỏng của các năm trước.
Đến thời điểm này, tuy lượng mưa chưa lớn, nước thượng nguồn đổ về chưa dâng cao, nhưng mọi công tác chuẩn bị đã sẵn sàng, như theo dõi diễn biến bão lũ ở các thôn buôn, kiểm tra rà soát khu dân cư có nguy cơ sạt lở, bố trí kiểm tra cấm người đi qua vùng nguy hiểm do bão lũ; tổ chức chằng néo nhà yếu, cắt tỉa cành cây, khi bão lũ đến thì báo cáo nhanh để huyện có biện pháp xử lý.
Hồ Dak Uy ở tỉnh Kon Tum (ảnh: Khoa Điềm) |
Tại 2 huyện phía Đông Bắc của tỉnh Đắc Lắc là Mdrak, Krông Năng (giáp tỉnh Phú Yên), gần địa phận bão nên mưa đang diễn ra lớn hơn. Đây cũng là vùng có hơn 20 công trình thủy lợi xuống cấp chưa được đầu tư khắc phục nên mọi công tác ứng phó đang được đặc biệt chú trọng.
Bà Phan Thị Thu Hiền, chuyên viên văn phòng thường trực Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đắc Lắc cho biết, Ban Chỉ huy đã phân công lực lượng đến tất cả các điểm trọng yếu để cùng lực lượng tại chỗ triển khai các phương án ứng phó.
Bà Hiền nói: “Công tác chuẩn bị tỉnh đã sẵn sàng, công an, bộ đội, bộ đội biên phòng rồi các ngành như giao thông vận tải, y tế, công thương đã sẵn sàng cho mọi tình huống. Chuẩn bị sẵn phương tiện, xe, máy đảm bảo giao thông thông suốt, rồi gỗ, đá… phòng sạt lở, trôi cầu tắc cầu; Rồi dự trữ thuốc men, dự trữ các mặt hàng nhu yếu phẩm cần thiết, kể cả mì tôm, nước uống… đề phòng cho những vùng bị cô lập.”
Theo thông tin từ Cảng hàng không Buôn Ma Thuột, do ảnh hưởng của cơn bão số 7, đã có hàng chục chuyến bay trong nước của Vietnam Airlines và Air Mekong đã bị hoãn và hủy trong ngày 6/10.
Ông Lương Việt Bắc, phụ trách văn phòng Vietnam Airlines tại Buôn Ma Thuột cho biết: “Cơ quan chuyên môn và Tổng công ty hàng không Việt Nam đã hủy các chuyến bay vào buổi chiều vì dự đoán có cơn bão đổ bộ vào và gió giật mạnh. Ngoài Buôn Ma Thuột thì cả khu vực miền Trung – Tây Nguyên trong ngày hôm nay hủy rất nhiều chuyến ở Pleiku, Đà Lạt và Nha Trang do ảnh hưởng cơn bão. Với điều kiện thời tiết hôm nay là mây mù, gió giật, mưa nhiều, tầm nhìn thấp nên không đảm bảo an toàn các chuyến bay. Đến khi thời tiết trở lại bình thường, đảm bảo an toàn thì hãng mới thực hiện các chuyến bay”./.