Bão số 7 đang tiến sát vào bờ biển từ Quảng Ngãi đến Phú Yên. Từ đêm qua đến sáng nay (6/10), trên địa bàn các tỉnh, thành phố  khu vực miền Trung đã có mưa to, gió lớn, biển động mạnh. Chính quyền các  địa phương nơi tâm bão đi qua đang gấp rút sơ tán dân vùng xung yếu đến nơi an toàn, thường xuyên kiểm tra các hồ đập, sẵn sàng phương án đối phó với bão số 7.

 

tau-ca-1.jpg
Hàng trăm tàu cá vào neo đậu để tránh bão (ảnh: Lao động)

Sáng nay, bão số 7 đang tiến vào vùng biển Quảng Ngãi- Phú Yên gây mưa to, biển động mạnh. Người dân các tỉnh miền Trung càng khẩn trương chằng chống nhà cửa, di dời đồ đạc tài sản lên cao, chủ động sơ tán đến nơi an toàn. Trong buổi sáng nay, một số cơ sở kinh doanh, buôn bán và tiểu thương các chợ ở tỉnh Phú Yên tạm thời đóng cửa , kê dọn hàng lên cao, dự trữ thực phẩm, thuốc men đề phòng mưa lớn kéo dài.

Công tác sơ tán dân tiếp tục được các tỉnh miền Trung triển khai, đảm bảo hoàn thành trước 14h chiều nay. Đến thời điểm này, một số vùng xung yếu đã cơ bản hoàn tất việc sơ tán dân. Sáng nay, trời mưa to, tại những nơi có nguy cơ sạt lở núi, ven sông, ven biển, vùng triều cường ở tỉnh Bình Định, các lực lượng thanh niên xung kích, bộ đội, dân quân tự vệ đang khẩn trương giúp dân  chuyển đến nơi cao ráo an toàn,  cắt cử người trực bảo vệ tài sản, đảm bảo an ninh trật tự tại khu vực sơ tán. Đến thời điểm này, tỉnh Bình Định đã di dời được 12.000 hộ dân.

Ông Nguyễn Ngọc Nam, thành viên tổ phòng chống chụt bão xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định cho biết: “Đối phó với cơn bão số 7, tổ phòng chống bão lụt của chúng tôi đã chuẩn bị bao xe cát, thiết bị phao cứu sinh và loa đèn chuẩn bị ứng phó bão. Chỗ nào dễ sạt ở chúng tôi cho anh em dồn bao và tấn kè, hô hào bà con lại để chằng chống nhà cửa. Chúng tôi đã có danh sách và đã những điểm tập kết để khi cần thiết mưa lụt lớn, lụt lớn”.

Từ hôm qua đến nay, lãnh đạo các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên đã đi kiểm tra và trực tiếp chỉ đạo phòng tránh bão số 7 tại nhiều vùng xung yếu; yêu cầu dừng tất cả các cuộc họp, duy trì chế độ trực, làm việc trong cả 2 ngày nghỉ cuối tuần để chủ động đối phó với bão.

Sáng nay, UBND tỉnh Phú Yên làm việc với Ban quản lý các hồ chưa thủy điện về điều tiết xả lũ, yêu cầu hạ mức nước trên hồ xuống dưới  103 m, đảm bảo an toàn cho vùng hạ du. Riêng đối với thủy điện Sông Tranh 2, huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam, UBND tỉnh Quảng Nam thành lập bộ phận thường trực, theo dõi chặt chẽ lượng nước về hồ, không cho tích nước, sẵn sàng phương án sơ tán dân khi cần thiết. Ông Đặng Phong, Chủ tịch UBND huyện miền núi Bắc Trà My cho biết, địa phương đã sẵn sàng đối phó với những tình huống xấu.

Theo dự báo, bão số 7 không ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Nam, nhưng các địa phương này cũng đang khẩn trương triển khai các phương án đối phó với diễn biến phức tạp của bão số 7.** Từ sáng nay (6/10), người dân tỉnh Kon Tum đã cảm nhận rất rõ ảnh hưởng của cơn bão số 7. Bầu trời đen kịt và mưa thì ngày càng nặng hạt. Việc phòng chống ảnh hưởng bão số 7 tiếp tục được địa phương triển khai theo phương châm 4 tại chỗ.

Ngay từ sáng sớm, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và giảm nhẹ thiên tai tỉnh Kon Tum đã tổ chức họp khẩn, tiếp tục rà soát lại phương án phòng chống lũ bão của các ngành, các địa phương trong tỉnh. 

Việc ứng trực phòng chống mưa bão được tỉnh Kon Tum triển khai thực hiện, duy trì rất nghiêm túc ngay sau khi có những cảnh báo đầu tiên về cơn bão số 7.

Hiện tại, tỉnh Kon Tum đã  bố trí hàng trăm phương tiện máy móc cơ giới, trên 1.300 m3 đá trên các tuyến đường, hồ đập xung yếu sẵn sàng tham gia ứng cứu khi có tình huống xấu xảy ra. Lực lượng quân đội, công an, biên phòng đã chuẩn bị hàng chục nhà bạt, khoảng 100 phương tiện và hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ sẵn sàng tham gia bảo vệ các công trình quan trọng, ứng cứu giúp dân. Lượng xăng dầu đủ cung ứng cho các hoạt động trong khoảng 10 ngày.

Việc chặt hạ một số cây cao su phòng ngã đổ để bảo vệ đường dây siêu nhiệt 110kv Pleiku- Kon Tum được triển khai thực hiện ngay trong sáng nay. Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và giảm nhẹ thiên tai tỉnh Kon Tum chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương trong tỉnh tăng cường các biện pháp đảm bảo cuộc sống, tính mạng và tài sản cho nhân dân trong mưa bão. Các tình huống, như mất điện lưới quốc gia, thiên tai vượt quá khả năng ứng cứu tại chỗ cũng đã được địa phương tính tới./.