Theo Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương, các tỉnh từ Quảng Bình đến Bà Rịa Vũng Tàu đã đôn đốc chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương triển khai công tác chủ động phòng, chống bão số 7.

Cụ thể, Tỉnh ủy, UBND, Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh phân công các thành viên xuống các địa bàn đôn đốc chỉ đạo trực tiếp công tác ứng phó với bão.

Các tỉnh, thành phố từ Thừa Thiên - Huế đến Khánh Hòa đã có lệnh cấm tàu thuyền ra khơi; tổ chức neo đậu tàu thuyền tại các cảng, âu tàu và khu tránh trú bão. Tỉnh Bình Định chỉ đạo các địa phương tập trung thu hoạch lúa vụ ba.  

baoso72500.jpg
Hướng di chuyển của bão số 7 sáng 6/10 (Ảnh: TTDBKTTV Trung ương)

Các địa phương chuẩn bị lực lượng, phương tiện, vật tư đối phó với bão. Tiến hành kiểm tra các công trình đê điều, hồ chứa nước, công trình đang thi công; sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để chủ động ứng phó; rà soát, lên phương án, chuẩn bị sẵn sàng di dời dân ở khu vực ven biển, ven sông suối, vùng thấp trũng, vùng có nguy cơ sạt lở, lũ quét.

** Tỉnh Quảng Ngãi, tính đến 20h ngày 5/10 đã tổ chức di dời được 212 hộ dân ở vùng có nguy cơ cao bị sạt lở núi, vùng lòng hồ thủy điện, vùng ngập lũ, ngoài ra sẵn sàng di dời 13.600 hộ khác theo phương án phòng chống lụt bão đã lập.

PV Vinh Thông, thường trú Đài TNVN khu vực Miền Trung đưa tin: Từ sáng sớm nay (6/10), tại tỉnh Quảng Ngãi trời bắt đầu mưa to. Các tàu thuyền đã được hướng dẫn tìm nơi tránh trú bão an toàn. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ngãi chỉ đạo các đồn biên phòng chủ động phối hợp với địa phương giúp dân chằng chống nhà cửa, di dời tài sản; thành lập đội cơ động gồm 150 chiến sĩ hỗ trợ cho các địa phương ven biển gấp rút triển khai di dời dân và kết thúc vào 14h chiều nay.

Ông Lê Viết Chữ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Ngãi cho biết: “Hiện các tàu đã có chỗ trú an toàn trên biển. Đối với các khu dân cư ven biển, người dân đã chuẩn bị dụng cụ như bao cát để chèn chống. Còn lại các khu có nguy cơ sạt lở, bà con cũng đã chuẩn bị sẵn sàng di dời đến nơi cao hơn như đồn biên phòng hoặc đồi núi”.

** Tại tỉnh Phú Yên, tính đến 23h30 ngày 5/10, thị xã Sông Cầu đã di dời được 21 hộ dân có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi triều cường. Tỉnh chỉ đạo sẽ tiến hành sơ tán dân tại các khu vực nguy hiểm khác từ 10h ngày 6/10, kết thúc vào 14h ngày 6/10.

Hầu hết tàu thuyền đã được neo đậu ở vị trí an toàn

Thông báo, hướng dẫn hơn 58.000 tàu tránh bão

Trung tâm Phòng chống lụt bão miền Trung- Tây Nguyên cho biết, đến sáng 6/10,  chưa có thông tin về tàu thuyền bị tai nạn trên biển do bão số 7.

Theo Báo cáo của Bộ Tham mưu Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, đến 6h ngày 6/10, đã thông báo và hướng dẫn cho 58.530 tàu với 283.478 người đang hoạt động trên biển biết vị trí và hướng di chuyển của bão để chủ động phòng tránh, trong đó khu vực quần đảo Hoàng Sa hiện còn 5 tàu với 72 người của tỉnh Quảng Ngãi đang tránh trú.

Bộ Tham mưu Bộ đội Biên phòng tiếp tục tổ chức chỉ đạo kiểm đếm, thông báo, hướng dẫn các tàu trú, tránh bão, duy trì 3.210 cán bộ chiến sỹ với 180 phương tiện các loại sẵn sàng tham gia xử lý các tình huống.

Các hồ chứa thủy điện khu vực miền Trung phần lớn còn thấp hơn mực nước dâng bình thường, riêng hồ  Sông Ba Hạ đang xả lũ với lưu lượng 100m3/s. Khu vực Tây Nguyên (lưu vực các sông Sê San, Sêrêpốk) nhiều hồ chứa đã gần đầy và đang xả để đảm bảo quy trình như Pleikrong, Buôn Tua Sa, Buôn Kuốp, Srêpôk3, Srêpôk4, Sê San 4.

Các hồ chứa vừa và lớn khác từ Quảng Bình đến Ninh Thuận còn ở mức thấp, một số hồ đạt 70 - 80% dung tích thiết kế. Các hồ khu vực Tây Nguyên và tỉnh Khánh Hòa đã tích nước từ 80 - 100% dung tích thiết kế; một số hồ đã đầy như Suối Trầu (Khánh Hòa), Đắc Uy (Kon Tum), Biển Hồ  (Gia Lai), Krông Búc Hạ (Đắc Lắc); 3 hồ đang xả điều tiết theo quy trình: Cam Ranh (Khánh Hòa), Tân Giang (Ninh Thuận), Ayun Hạ (Gia Lai)./.