Đến sáng 3/10, tỉnh Bình Định còn 600 phương tiện đang hoạt động tại vùng biển 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Hầu hết các ngư dân trên biển đã nhận được thông tin, vị trí hướng di chuyển của bão và đang trên đường vào bờ trú tránh. Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Bình Định thường xuyên duy trì liên lạc với các phương tiện và chuẩn bị phương án sẵn sàng cứu hộ cứu nạn khi có sự cố xảy ra.

Ông Nguyễn Hữu Hào, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định cho biết: “Số  tàu thuyền ở địa phương gần như đã vào bờ tìm nơi trú tránh. Hiện chúng tôi tiếp tục kêu gọi một số tàu đi  làm ăn ở ngư trường xa. Chúng tôi đã lắp hơn 70 máy bộ đàm trên tàu đánh cá xa bờ và có trung  tâm ở đất liền để liên lạc với các tàu”.

img_3524.jpg
Tàu đánh cá được neo đậu ở nơi an toàn

Thông tin về cơn bão số 7 có thể ảnh hướng đến khu vực Nam Trung Bộ nên người dân các vùng bị sạt lở, triều cường xâm thực ven biển đã chủ động phòng tránh. Tại xóm Rớ, phường Phú Đông, thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên, triều cường xâm thực, gây sạt lở đe dọa cuộc sống của hơn 40 hộ dân nơi đây.

Ông Huỳnh Lưu, Chủ tịch UBND phường Phú Đông cho biết, Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão phường phối hợp với các lực lượng dùng bao cát làm đê bao chăn sóng tạm thời, đồng thời sẵn sàng phương án sơ tán dân khi cần thiết.

Trung tâm Phòng Chống lụt bão miền Trung - Tây Nguyên cho biết, các tỉnh, thành phố ở miền Trung thực hiện nghiêm Công điện của Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương. Đến sáng 3/10, các tỉnh từ Quảng Bình đến Bình Định đã kiểm đếm và thông báo cho 28.000 tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí và hướng di chuyển của bão để chủ động phòng tránh.

Hiện nay, dung tích các hồ chứa tại các tỉnh ven biển miền Trung ở mức từ 30 đến 70% so với dung tích thiết kế. Một số hồ có dung tích lớn hơn đang xả điều tiết như hồ Định Bình, tỉnh Bình Định; hồ Cam Ranh và  hồ Suối Trâu, tỉnh Khánh Hòa./.