Bão số 7 đang tiến sát đất liền, ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh miền trung. Để chủ động ứng phó với diễn biến phức tạp của bão và đề phòng mưa to, lũ lớn sau bão, các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung đã sẵn sàng phương án sơ tán dân vùng xung yếu, gia cố bờ bao, đảm bảo an toàn hồ đập.

Chiều tối nay, trên bãi biển thôn An Cường, xã Bình Hải huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, hàng trăm người dân tập trung chằng chống nhà cửa, chủ động phòng tránh bão số 7. Đề phòng triều cường dâng cao gây sạt lở bờ biển, cuốn trôi nhà cửa, bà Lê Thị Tính cũng như người dân thôn An Cường khẩn trương thu dọn đồ đạc, kê kích lên cao và chuẩn bị lương thực, thực phẩm sẵn sàng sơ tán khi có lệnh: “Phải di chuyển lên trên Đồn chứ không dám ở đây vì nhà cửa yếu lắm chỉ gió cấp 3, cấp 4 là bay hết. Lương thực mì tôm cũng chuẩn bị trước hết rồi”.

Tỉnh Bình Định cũng đã lên phương án chuẩn bị sơ tán 20.000 hộ dân vùng xung yếu. Trong những ngày trước, trong và sau bão, lực lượng thanh niên xung kích luôn có mặt tại các địa bàn xung yếu, giúp dân chằng chống nhà cửa, di chuyển tài sản lên cao và tham gia cứu nạn... Chiều nay, hơn 100 thanh niên xung kích đã  về tập tại phường Nhơn Bình tập kết hàng nghìn bao tải cát làm đê bao ngăn lũ, bảo vệ tính mạng và tài sản người dân vùng xung yếu.

Trương Công Hiền, một thanh niên xung kích phường Nhơn Bình, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định  tham gia hộ đê cho biết: “Đoạn đê đông khu vực 4 này các hộ dân ở mặt dưới đê, mấy  mùa mưa bão trước thừờng xảy ra sạt lở. Hôm nay thanh niên xung kích phưòng tham gia đắp bờ kè cho đê xung yếu và túc trực 2 4/24 sẵn sàng sơ tán các họ dân dưới mặt đê”.

Trong ngày hôm nay, lãnh đạo các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung cũng đã cử các đoàn đi kiểm tra công tác phòng chống lụt bão tại những vùng xung yếu, đặc biệt là các công trình thủy lợi, thủy điện.

Tại tỉnh Phú Yên, đến 18h chiều nay,  mực nước tại hồ thủy điện Sông Ba Hạ đã đến mức thiết kế là 105m. Hiện lưu lượng nước về hồ đang tăng, nhà máy thông báo trong 12 đến 24 giờ tới tổng lưu lượng xả lũ từ 600 đến 900 m3/s. Huyện Tây Hòa là địa phương đầu tiên chịu ảnh hưởng của việc xả lũ. Ban chỉ huy phòng chống lụt bão huyện đã chủ động bố trí 3 nhà tránh lũ cộng đồng, sử dụng các trường học, trụ sở thôn nằm ở vùng cao để kịp di dời gần 400 hộ dân ở các xã Hòa Thịnh, Hòa Mỹ Đông và Hòa Đồng đến nơi an toàn nếu nước dâng.

Ông Trần Trọng Kỳ, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Tây Hòa, Trưởng ban chỉ huy Phòng chống lụt bão huyện cho biết: “Hiện nay sông Bánh Lái nước sông đang lớn, ban phòng chống huyện kiểm tra, nhắc các xã dọc sông Bánh Lái như xã Hòa Tân Tây, Hòa Mỹ Đông, Hòa Đồng chuẩn bị đội xung kích, nhắc nhở bà con không đi sông, chăn bò, trẻ nhỏ đi học phải cẩn thận phòng ngừa, nhất là sông Bánh Lái cầu Bến Củi huyện đang chỉ đạo cho xã chuẩn bị một chiếc thuyền chuẩn bị áo phao cứu sinh trong lúc nước lên thuyền đưa bà con cho đảm bảo an toàn”.

Hiện các tỉnh thành phố từ Quảng Bình đến Khánh Hòa cũng đã chủ động  triển khai các phương án phóng tránh bão số 7 và ngập lụt sau bão./.