Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, thành phố Đà Nẵng đang khẩn trương truy vết, khoanh vùng, xét nghiệm các đối tượng có liên quan đến dịch Covid-19. Cùng với đó, chính quyền thành phố siết chặt công tác phòng dịch tại các cơ sở y tế, bệnh viện tư nhân, hiệu thuốc tây trên địa bàn, tránh lây lan dịch ra cộng đồng.
Đầu tháng 5 năm nay, khi thành phố Đà Nẵng xuất hiện bệnh nhân Covid-19 tại cộng đồng, tất cả các bệnh viện tại thành phố tăng cường quản lý việc phân luồng, giám sát những bệnh nhân đến khám, kịp thời phát hiện những trường hợp có yếu tố dịch tễ nghi ngờ, tránh nguy cơ dịch lây ra cộng đồng.
Tại Bệnh viện Gia đình Đà Nẵng, khi bệnh nhân tới khám phải khai báo thông tin y tế. Nếu đã từng đi, tiếp xúc ở những nơi có dịch, người đến khám sẽ được bố trí ở khu vực riêng. Đối với bệnh nhân nội trú thì bắt buộc làm xét nghiệm Covid-19 để đảm bảo an toàn cho những bệnh nhân bên trong bệnh viện.
Ông Võ Hồng Dũng, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo phòng dịch Bệnh viện Gia đình Đà Nẵng cho biết, bệnh viện đã chủ động xây dựng những tình huống, kịch bản cụ thể để ứng phó trong trường hợp số ca mắc mới tăng cao: “Đối với các kịch bản, chúng tôi tuân thủ đúng quy định của Bộ Y tế, Sở Y tế khi có các tình huống xảy ra: tình huống có ca F1, có ca dương tính ngoại viện, ở trong khu nội trú, tình huống có các biến cố liên quan đến phòng dịch. Chúng tôi thực hiện lại chế độ tập huấn hàng tháng để đảm bảo rằng anh em nhân viên có thể thực hiện đúng khi có những tình huống đó xảy ra".
Những ngày này, các cửa hàng bán thuốc tại thành phố Đà Nẵng cũng là một trong những kênh được tăng cường giám sát để phát hiện dịch Covid-19 trong cộng đồng. Bà Trần Thị Hoà, chủ nhà thuốc Hồng Đức, thành phố Đà Nẵng cho biết, khi người dân khi đến mua thuốc cảm nhưng không có toa của bác sĩ nhà thuốc sẽ không bán và khuyến cáo đến các cơ sở y tế để khám bệnh, sàng lọc dịch bệnh Covid-19.
“Nếu như họ nói có triệu chứng cảm là dứt khoát tôi không bán. Vì bây giờ triệu chứng ban đầu của dịch Covid-19 này là y như cảm cúm. Sau đó, tôi khuyên họ nên đi khám bác sĩ, có toa thuốc mang đến tôi mới bán"- bà Hòa nói.
Hiện nay, tất cả các bệnh viện trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đều kích hoạt trở lại quy trình phòng chống dịch, tránh nguy cơ lây nhiễm cho các nhân viên y tế. Ngành Y tế thành phố Đà Nẵng đã có phương án điều trị bệnh nhân Covid-19 ở 3 mức độ gồm: điều trị dưới 120 ca, mức dưới 500 ca và mức dưới 1.000 ca, khi số ca bệnh trên 1.000 thì tuỳ theo mức độ tăng ca mắc mới, Đà Nẵng sẽ tiếp tục huy động sự tham gia của các bệnh viện tư nhân, cơ sở y tế khác. Bà Trần Thanh Thuỷ, Phó Giám đốc Sở Y tế thành phố Đà Nẵng cho biết: thành phố thực hiện phương châm 4 tại chỗ trong điều trị bệnh nhân mắc Covid-19.
“Về mặt chỉ đạo điều hành, Sở Y tế thành phố đều đã có chỉ đạo, điều hành, kiểm tra tất cả các cơ sở y tế, thậm chí là tất cả các khối phòng khám, bệnh viện tư, nhà thuốc cũng đều được tập huấn theo tiêu chí của Bộ Y tế"- bà Thủy nói./.