0 giờ ngày 24/7, Bệnh viện C Đà Nẵng thực hiện cách ly, khởi đầu cho cuộc chiến chống Covid -19 đầy cam go.
0 giờ ngày 28/7, thành phố Đà Nẵng thắt chặt các biện pháp cách ly nghiêm ngặt chưa từng có.
Đà Nẵng bước vào đợt chống dịch thứ 2 căng thẳng và nguy cấp hơn trước. Hơn một tháng gian nan chống dịch, bây giờ Đà Nẵng đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh Covid-19 và từng bước nới lỏng giãn cách xã hội.
“Ở được một tháng rồi. Rất khó khăn. Ở nhà có hai đứa con, chồng ở nhà... không ai chăm sóc hết. Một cháu mới học lớp 3, một cháu thì học đại học năm đầu. Rất là vui được về nhà với gia đình.”
“Chúng tôi vô cùng biết ơn những y, bác sỹ. Và cám ơn tất cả những người thân và gia đình của các y, bác sĩ đã chia sẻ những khó khăn trong thời gian qua của Bệnh viện Đà Nẵng.”
Những lời nói nghẹn ngào, những giọt nước mắt yêu thương, tiếng reo hò mừng vui của các nhân viên y tế trong giây phút Bệnh viện Đà Nẵng dỡ bỏ lệnh phong tỏa kéo mọi người xích lại gần nhau hơn.
Đúng 16 giờ ngày 25/8, sau 30 ngày “nội bất xuất, ngoại bất nhập”, bệnh viện mở cửa trở lại.
Cũng vào ngày này tháng trước, nhiều người bất ngờ khi nghe tin Đà Nẵng vừa phát hiện ca mắc Covid-19 tại cộng đồng.
Bản tin Thời sự 18 giờ ngày 25 tháng 7 của Đài Tiếng nói Việt Nam thông tin về bệnh nhân 416 khởi đầu cho cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 tái bùng phát:
Vào cuối buổi sáng nay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về công tác phòng, chống Covid-19. Tại đây, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch quốc gia xác nhận bệnh nhân ở Đà Nẵng đã dương tính lần thứ 5 và trở thành bệnh nhân thứ 416 ở nước ta. Bệnh nhân 57 tuổi này hiện đang được điều trị trong tình trạng khá nặng. Đây là ca bệnh lây từ cộng đồng và công tác khoanh vùng dập dịch đang được thực hiện khẩn trương.
Bác sĩ Nguyễn Trọng Thiện, Giám đốc Bệnh viện C Đà Nẵng cho biết các biện pháp xử lý cấp bách khi phát hiện trường hợp mắc Covid-19 đầu tiên trong cộng đồng: “Chúng tôi biết được bệnh nhân 416 vào lúc 17h15 phút chiều. Làm việc với Ban Giám đốc, liền lập tức truy vết đối tượng F1 ngay lập tức. Được sự chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, trong sáng ngày 24/7 chúng tôi đã tự cách ly, tự ra phương án đóng cửa ngay bệnh viện.”
Sau khi phát hiện trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, chính quyền thành phố Đà Nẵng thực hiện cách ly y tế đối với Bệnh viện C Đà Nẵng từ 0 giờ ngày 24 tháng 7. Hai ngày sau, các bệnh nhân 418, 420 tiếp tục được công bố. Ngày tiếp theo, thêm 11 trường hợp mắc Covid-19 được phát hiện. Và những ngày sau đó, các ca dương tính với SARS-CoV-2 liên tục tăng tại thành phố Đà Nẵng và 2 tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi. Tình hình dịch bệnh ngày càng căng thẳng, nỗi lo sợ bao trùm cả thành phố. Các cuộc họp khẩn của lãnh đạo thành phố Đà Nẵng liên tục diễn ra, bất kể ngày đêm. Tại cuộc họp trực tuyến với Thường trực Chính phủ, ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng rất lo ngại về dịch bệnh Covid-19 tái bùng phát đã lây nhiễm qua các nhân viên y tế: “Hiện nay, trong khu vực cách ly của bệnh viện đã có xuất hiện tình trạng lây nhiễm đến đội ngũ y, bác sĩ… Đó là một trong những điều rất nghiêm trọng. Chúng tôi tập trung toàn bộ lực lượng để rà soát thực hiện cách ly đối với những trường hợp F1, F2.”
Giữa những ngày hè oi bức, cả thành phố du lịch đóng cửa. Việc truy vết đối tượng F0 vô cùng khó khăn. Câu hỏi F0 là ai? F0 hiện giờ ở đâu tiếp tục được đặt ra và truy tìm…
Từ Hà Nội, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh Covid-19 cũng liên tục họp khẩn để đưa ra những biện pháp ứng phó kịp thời trước những diễn biến nhanh, phức tạp hơn và Đà Nẵng trở thành tâm dịch. GS-TS Nguyễn Thanh Long, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế nhận định, tình hình dịch bệnh tái bùng phát rất khó kiểm soát và quyết định cử một đội ngũ cán bộ, chuyên gia hàng đầu, tinh nhuệ vào tâm dịch, hỗ trợ Đà Nẵng chống dịch:
“Ổ dịch nguy cơ lớn nhất chính là 3 bệnh viện: Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện C Đà Nẵng và Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình và Phục hồi chức năng. Đối với phía y tế thì chúng tôi đã cử 4 đội tinh nhuệ nhất của Bộ Y tế vào trong Đà Nẵng. Đội thứ nhất là về giám sát cách ly. Đội thứ hai là về xét nghiệm. Đội thứ ba là đội điều trị thì đã huy động tốp điều trị cho bệnh nhân 91 từ Bệnh viện Chợ Rẫy ra điều trị cho các bệnh nhân nặng của thành phố Đà Nẵng. Và đội thứ tư là đội của Bệnh viện Bạch Mai do Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai trực tiếp vào hỗ trợ cho 2 bệnh viện là Bệnh viện Đà Nẵng và Bệnh viên C Đà Nẵng. Như vậy là Bộ Y tế đã tung tất cả lực lượng có thể nói rằng là tinh nhuệ vào trong để hỗ trợ đối với địa phương.”
Đà Nẵng bước vào đợt chống dịch thứ 2 căng thẳng và khó lường hơn trước. Số ca nhiễm tăng nhanh như vệt dầu loang. Dịch Covid-19 từ tâm dịch Đà Nẵng nhanh chóng lan sang các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Trị… Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, nhiệm vụ chống dịch là hàng đầu, bằng mọi giá không để dịch bệnh lây lan: “Yêu cầu đặt ra là phải bằng mọi giá không để dịch bệnh bùng phát lan rộng ra Đà Nẵng và các địa phương khác. Phải tập trung cao độ phản ứng nhanh và hiệu quả bằng sức mạnh tổng hợp, tổng lực, phải thần tốc truy phải xét nghiệm diện rộng trong số đối tượng cần thiết để ngăn ngừa có hiệu quả việc lây nhiễm. Có sự phối hợp tốt, nhuần nhuyễn giữa lực lượng các địa phương, đặc biệt là thành phố Đà Nẵng với các cơ quan Trung ương.”
Việt Nam bước vào cuộc chiến chống dịch Covid-19 đợt 2 sau 99 ngày không có ca lây nhiễm trong cộng đồng. Đà Nẵng trở thành tâm dịch.
- 0 giờ ngày 27/7, thành phố chính thức công bố lệnh phong tỏa Bệnh viện C Đà Nẵng, Bệnh viện Đà Nẵng và Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng cùng các khu dân cư xung quanh 3 bệnh viện này. Gần 10 ngàn người gồm nhân viên y tế, bệnh nhân, người nhà bệnh nhân và người dân trong khu vực bị phong tỏa bắt đầu cuộc sống cách ly với bên ngoài, “nội bất xuất, ngoại bất nhập”.
- 0 giờ ngày 28/7, thành phố Đà Nẵng siết chặt các biện pháp cách ly xã hội ở mức cao nhất chưa từng có. Mọi người chỉ ra đường khi thật sự cần thiết.
- Ngày 31/7, điều tồi tệ cũng đã xảy ra khi lần đầu tiên số ca nhiễm được công bố trong một ngày lên mức kỷ lục với 45 ca. Đây cũng là ngày đầu tiên ở Việt Nam có ca mắc Covid-19 tử vong.
Thành phố đáng sống bỗng căng cứng nỗi lo vì phong toả và giãn cách xã hội!
Cuối tháng 7, thành phố Đà Nẵng thực hiện giãn cách xã hội ở mức cao nhất chưa từng có. Những tấm biển “khu vực hạn chế”, “khu cách ly”, “khu vực phong tỏa” được dựng lên trên nhiều đường phố. Hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ, sinh viên, thanh niên tình nguyện, ngày đêm túc trực tại các chốt phong tỏa, kiểm soát chặt chẽ người và phương tiện ra vào thành phố. Đây cũng là lúc người dân và chính quyền địa phương cùng nâng cao ý thức tự giác, tính kỷ luật, lòng người xích lại gần nhau, đùm bọc, sẻ chia và bình tĩnh đi qua đại dịch. ./.