Trong tình hình dịch bệnh trong cả nước còn diễn biến phức tạp, thành phố Đà Nẵng quyết định chỉ cho phép hoạt động đối với xe taxi, xe dưới 9 chỗ ngồi, xe grab, shipper. Thời gian bắt đầu từ 6 giờ, ngày 28/5 để các đơn vị có thời gian chuẩn bị. Tuy nhiên, các chủ phương tiện phải có cam kết, lái xe phải âm tính lần 1 với SAR-CoV-2 mới được hoạt động. Sau 7 ngày hoạt động thì lái xe phải xét nghiệm lần 2; lái xe phải khai báo y tế hàng ngày, liên tục mở ứng dụng Bluezone; yêu cầu đơn vị quản lý phương tiện chỉ cấp tài khoản cho người đã có kết quả xét nghiệm âm tính, xe chỉ được chở một nửa số người theo quy định, đồng thời phải hiển thị thông tin kết quả xét nghiệm của lái xe cho người dùng biết khi sử dụng.
Các nhà cung cấp dịch vụ cần cung cấp danh sách đối tác, cung cấp đường đi, điểm đến để truy vết khi cần, xử lý nghiêm khi phát hiện trường hợp vi phạm. Đối với các hoạt động khác đã tạm thời ngừng hoạt động vẫn tạm dừng khi có thông báo mới.
Ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cho rằng, mặc dù thành phố đã qua 8 ngày không phát hiện ca mắc mới trong cộng đồng nhưng điều đó không có nghĩa là thành phố đã “sạch” virus. Tình hình dịch Covid-19 trong nước và thế giới còn diễn biến phức tạp. Do vậy, các đơn vị, địa phương không thể buông lỏng biện pháp phòng chống dịch.
Thành phố thống nhất thiết lập các chốt kiểm soát phòng chống dịch ở bến xe, bến tàu, các cửa ngõ ra vào thành phố; tiếp tục siết chặt các khu cách ly, phong tỏa, thực hiện linh hoạt các biện pháp phong tỏa mềm, phong tỏa cứng; thực hiện xét nghiệm SAR-CoV-2 cho 30% đại diện hộ gia đình tiếp theo, xét nghiệm lần 2 cho công nhân Khu Công nghiệp An Đồn.
Tiếp tục siết chặt quản lý các Khu Công nghiệp, đảm bảo tất cả công nhân phải được xét nghiệm, chủ doanh nghiệp và công nhân phải ký cam kết thực hiện các biện pháp phòng chống dịch.
Về việc cho phép một số hoạt động vận tải khách bằng công nghệ hoạt động trở lại, ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng khẳng định: "Tôi đồng ý với việc chúng ta chỉ nới lỏng biện pháp về việc cho mở lại các hoạt động vận tải theo hình thức công nghệ với điều kiện muốn hoạt động thì phải tuân thủ các quy định. Tôi đề nghị những biện pháp yêu cầu kèm theo là những quy định bắt buộc trong điều kiện phòng chống dịch”.
Theo Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch Covid-19 thành phố Đà Nẵng, 24 giờ qua, thành phố không phát hiện ca mắc mới. Đã 8 ngày, thành phố này không phát hiện ca mắc mới Covid-19 trong cộng đồng. 24 ngày qua, thành phố đã xét nghiệm SAR-CoV-2 cho 346.000 trường hợp, tăng hơn 20.000 trường hợp so với đợt dịch tháng 7 năm ngoái. Tất cả các quận, huyện đều xét nghiệm 30% số hộ gia đình. Trong đó, quận Sơn Trà xét nghiệm 100% đại diện hộ gia đình. Riêng tại các khu công nghiệp, ngành y tế đã lấy mẫu 52.300 công nhân, đến chiều nay đã có kết quả hơn 44.000 người, không phát hiện ca nào dương tính.
Đến thời điểm này, thành phố đã ghi nhận 154 ca mắc Covid-19, trong đó 144 ca phát hiện từ các khu cách ly. Hiện vẫn còn 1799 trường hợp F1 đang cách ly, thiết lập 29 vùng cách ly y tế với 49.000 nhân khẩu.
Thành phố Đà Nẵng xác định tiếp tục thực hiện các biện pháp chỉ đạo của Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch quốc gia, không chủ quan, lơ là trong phòng chống dịch, thận trọng từng bước trong việc nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch, tiếp tục thực hiện tốt chủ trương phòng chống dịch nhưng hạn chế thấp nhất ảnh hưởng kinh tế xã hội. Đà Nẵng xác định 3 vòng kiểm soát với các biện pháp phù hợp. Trong đó, vòng ngoài là kiểm soát chặt người vào thành phố. Vòng thứ hai là tiếp tục xét nghiệm sàng lọc, nhất là người hoàn thành cách ly, người khỏi bệnh về địa phương cư trú, kiểm soát chặt nhập cảnh trái phép, không nhập cảnh chuyên gia ngắn hạn. Vòng cuối cùng là kiểm soát chặt chẽ các khu cách ly không để lây chéo.
Thành phố triển khai mạnh mẽ 17 ứng dụng công nghệ thông tin trên địa bàn thành phố như mã QR-Cod đối với người ra vào thành phố, QR-Cod đi chợ, mã QR-Cod trên các phương tiện giao thông, camera các khu cách ly, họp trực tuyến, bản đồ dịch tễ, bluezone, khai báo y tế./.