Trong những năm trước, tại Móng Cái (Quảng Ninh) những ngày này, hoạt động buôn lậu diễn ra khá tập nập; người người đi thồ hàng, nhà nhà đi chở hàng từ bên kia biên giới vào trong nước. Tuy nhiên, năm nay thì tình hình khá yên ắng. Hàng hóa không nhiều, xe cộ thưa thớt và đội ngũ cửu vạn chỉ túm năm, tụm ba dài cổ ngồi chờ việc.

Qua quan sát của chúng tôi, các đầu nậu này thường thuê cửu vạn là những người ở các địa phương khác đến, bốc vác hàng từ bãi tập kết ven sông lên các phương tiện như ô tô tải nhỏ, xe ôm, rồi chuyển đến các kho hàng khác ở trong khu dân cư, hoặc lén đưa về các chợ Trung tâm, siêu thị Vinh Cơ. Nhiều chủ đầu nậu còn thuê các loai xe tải thùng kín, tạo vách ngăn, hầm để giấu hàng hóa, càng để ngăn sâu hàng hóa càng có giá trị.

mong_cai_kshu.jpg
Cửa khẩu quốc tế Móng Cái (Ảnh: VOV Giao thông)

Còn ở trên đường thủy, hay đường biển, đầu nậu chọn địa bàn vận chuyển từ biển Vạn Mỹ, Trúc Sơn (Trung Quốc), rồi dùng đò sắt, xuồng cao tốc chuyển hàng về khu vực biển Bình Ngọc, Trà Cổ. Các mặt hàng thuốc lá, rượu thậm chí cả pháo rất hay đi bằng con đường này.

Mấy ngày nay, dọc tuyến biên giới mưa lạnh, đường trơn, nhưng hoạt động vận chuyển hàng tại các bến đò dọc đường biên vẫn diễn ra. Có lẽ đây là thời gian “nới lỏng” và các chủ “đầu nậu” nhanh chóng triển khai việc tập kết cũng như vận chuyển hàng.

Thời gian qua, lực lượng chức năng Việt Nam và Trung Quốc tiến hành kiểm soát chặt chẽ hàng hóa lên, xuống tại các bến bãi nằm trong khu vực biên giới. Tuy nhiên, theo các giờ “nới lỏng”, lượng hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng nhái vẫn được tập kết tại các khu vực đường mòn lối mở tuyến biên giới được bố trí sẵn, sau đó thuê cửu vạn bốc hàng hóa xuống đò sắt.

Cửu vạn ở đây chủ yếu là dân lao động đến từ các tỉnh khác. Chúng tôi đã tìm hiểu và nói chuyện với một cửu vạn người quê Vĩnh Phúc. Cuộc sống khó khăn, không có công ăn việc làm nên anh rời quê đến Móng Cái làm nghề cửu vạn. Thu nhập hàng tháng khoảng 3 triệu đồng, anh dành để nuôi vợ và ba đứa con nhỏ. Gánh nặng đè lên vai anh hơn, khi hai đứa con lớn của anh đều bị tàn tật, không đi lại được. Vợ anh cũng không kiếm được việc làm, nên chỉ ở nhà chăm sóc con.

Hàng hóa vận chuyển qua khu vực biên giới tại Móng Cái hầu hết là hàng chính ngạch. Lượng hàng tiểu ngạch không còn nhiều như trước nên số người làm nghề bốc vác hàng thuê cũng đã giảm đáng kể, nhiều người không bám trụ được đã chuyển sang làm công việc khác hoặc bỏ về quê. Nhờ vậy, thu nhập của những cửu vạn còn bám trụ lại cũng được tăng thêm đôi chút, nhưng không đáng kể.

Trên thực tế, số cửu vạn vẫn tập trung đông tại vùng biên, mỗi tốp từ 5-7 người, trong khi lượng công việc không đủ để đáp ứng nhu cầu việc làm của họ, “không đủ ăn” nên nhiều khi cực chẳng đã họ mới phải vận chuyển hàng lậu khi được thuê. Bên cạnh đó, nhiều cửu vạn phải làm sổ thông hành để sang bốc hàng thuê bên Trung Quốc, bởi bên đó thiếu cửu vạn và có số lượng hàng hóa cần vận chuyển lớn hơn rất nhiều.

Một phụ nữ dáng người thấp bé chia sẻ rằng, chị từng đi bốc vác hàng thuê ở khu vực cửa khẩu trong nhóm 4-5 người, mặc dù rất vất vả nhưng do không biết làm nghề gì khác và vì miếng cơm manh áo nên chị phải gắng sức làm.

Công việc vất vả nặng nhọc là thế, nhưng khi được hỏi về nguyện vọng chuyển đổi nghề thì nhiều cửu vạn không dám trả lời. Họ e ngại vì ngoài lao động tay chân, họ không biết làm việc gì khác. Chính vì thế họ gắng duy trì công việc này mà không khỏi lo lắng về mức thu nhập không ổn định và ngày một thấp hơn./.