Theo Bộ GTVT, dù có nhiều ý kiến phản ứng từ các doanh nghiệp vận tải taxi truyền thống, thế nhưng chính bản thân họ cũng đã thay đổi tư duy làm ăn cũ để hướng đến hoạt động kinh doanh hiện đại hơn. Tuy nhiên, về cơ bản, ngay trong quản lý nhà nước cũng phải thay đổi và Bộ GTVT sẽ điều chỉnh lại các điều kiện kinh doanh vận tải đối với taxi với mục tiêu bình đẳng và cạnh tranh lành mạnh.

uber8_vfaa.jpg
Cuộc chiến taxi công nghệ và taxi truyền thống chưa có hồi kết.

Từ khi Chính phủ duyệt Đề án thí điểm dịch vụ đặt xe bằng hợp đồng điện tử hay còn gọi là áp dụng loại hình Grab và Uber, số lượng phương tiện tham gia vào các loại hình này đã tăng trên 50.000 xe ở các thành phố lớn. Câu hỏi đặt ra là làm sao lại gia tăng phương tiện tham gia Grab và Uber chóng mặt như thế? Chính sách về giá linh hoạt hay là những ưu đãi nào đã khiến nhiều lái xe bỏ cả taxi truyền thống để xin sang chạy Grab và Uber?

Ông Nguyễn Tuấn Anh – Giám đốc Grab Việt Nam cho biết, chúng tôi làm cái gì cũng bị phàn nàn, khi chúng tôi khuyến mãi thấp thì bị phàn nàn phá giá, khi giờ cao điểm giá cao thì bị phàn nàn giá cao, như vậy chúng tôi phải có giá như thế nào để làm vừa lòng?

“Chính vì chúng tôi sử dụng công nghệ, biểu giá linh động đã giúp chúng tôi có thể hạ giá được trong giờ thấp điểm và tăng giá giờ cao điểm vì nhu cầu đi xe nhiều. Việc này tăng thu nhập cho tài xế để họ chạy xe giá thấp trong những khung giờ kia. Đó là lý do vì sao chúng tôi tham gia loại hình này ngay từ đầu”, ông Tuấn Anh nói.      

Với những ưu điểm vượt trội, dịch vụ đi chung xe của Grab đang khiến các đối thủ chật vật chống đỡ.

Câu trả lời của đại diện Grab đã phần nào chia sẻ được bản chất của ứng dụng công nghệ trong hoạt động vận tải taxi. Những ưu điểm của nó không chỉ giúp doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả mà còn đưa lại lợi ích rất lớn cho người dân.

Đã nhiều lần Bộ GTVT bảo lưu quan điểm ủng hộ taxi công nghệ phát triển hay là ủng hộ ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động vận tải. Dù vấp phải những phản ứng trong giai đoạn chuyển tiếp từ cũ sang mới, thế nhưng, Bộ GTVT cho rằng, đó không phải là vấn đề lớn và họ sẽ có những chính sách mới, điều chỉnh lại toàn bộ hoạt động của taxi cũng như loại hình Grab và Uber để có một môi trường kinh doanh vận tải lành mạnh, công bằng.

“Chúng tôi cũng nhận được các ý kiến của các loại hình vận tải như taxi truyền thống, chúng tôi đang nghiên cứu để có những điều chỉnh kịp thời và nhất định trong đó, nhưng về cơ bản là 1 mặt bằng cho các loại hình vận tải trên 1 nền tảng pháp lý. Có 1 số quy định của taxi truyền thống chúng ta quy định kỹ thì sẽ xem xét bỏ đi trong tương lai”, ông Nguyễn Ngọc Đông – Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải cho hay.

 Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết, Bộ GTVT đang nghiên cứu để có những điều chỉnh kịp thời và nhất định trong đó, nhưng về cơ bản là 1 mặt bằng cho các loại hình vận tải trên 1 nền tảng pháp lý.

Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho rằng, bên cạnh việc bảo đảm môi trường kinh doanh bình đẳng, Nhà nước cần có chính sách khuyến khích startup, tham gia cạnh tranh với các hãng công nghệ nước ngoài.

Chính sách của Nhà nước cần thay đổi theo hướng khuyến khích việc tạo lập những doanh nghiệp Việt Nam dám tham gia vào loại hình mới, cùng cạnh tranh với những công ty nước ngoài. Nhiều startup trong thời gian qua cũng cho ra mắt các ứng dụng đặt xe và phục vụ trên tuyến từ trung tâm thành phố đến sân bay. Nếu thành công và có tiền tích lũy, những doanh nghiệp này sẽ có điều kiện mở rộng hơn nữa.

Đối với các doanh nghiệp taxi truyền thống, họ không thể đi ngược lại xu thế tiến bộ hiện nay. Theo ông Thành, Nhà nước sẽ đồng hành cùng doanh nghiệp, giảm bớt các điều kiện kinh doanh gây ra bất bình đẳng trong cạnh tranh.

“Taxi truyền thống buộc phải có sự thay đổi. Không thể nào kéo họ (Uber, Grab) xuống để cạnh tranh, phải tự nâng cấp mình. Khi đã đạt trình độ tương đương thì có những vận động về chính sách. Tôi nghĩ rằng Chính phủ cũng không muốn để những doanh nghiệp đó đơn độc” – ông Nguyễn Đức Thành nói.

Rõ ràng, áp dụng công nghệ trong hoạt động vận tải là cú hích lớn của ngành giao thông vận tải, phá vỡ những mô hình kinh doanh vận tải cũ kỹ và lạc hậu mà nếu không nói là những mô hình độc quyền lâu nay.

Bộ GTVT vừa hoàn thành Dự thảo Nghị định mới thay thế Nghị định 86 về điều kiện kinh doanh vận tải và đang chờ Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trong dự thảo này đã chặt chẽ hơn về mặt quản lý vận tải và đáng chú ý là nhiều ràng buộc như kiểu giấy phép con trong vận tải đã được bãi bỏ.

Như vậy, giữa taxi truyền thống và taxi công nghệ sẽ được bình đẳng cạnh tranh. Phần thắng thuộc về ai sẽ do khách hàng chấm điểm, đánh giá công tâm nhất./.