Sau khi có thông tin của Đại sứ quán Việt Nam tại Angola và báo chí, về một trường hợp nữ lao động Hoàng Thị Văn tử nạn do bị cướp giết, Cục Quản lý lao động ngoài nước đã kiểm tra, xác minh nhưng không thấy thông tin của lao động trên do các doanh nghiệp xuất khẩu lao động có hợp đồng cung ứng được Cục Quản lý lao động ngoài nước cho phép đưa lao động sang làm việc tại Angola.

angola_sgew.jpg
Ông Hoàng Minh (áo xanh) - cha của chị Hoàng Thị Văn. (Ảnh: Tuổi trẻ)

Hiện nay, có 6 doanh nghiệp được Cục Quản lý lao động ngoài nước cho phép tham gia thí điểm đưa lao động sang làm việc tại Angola gồm: HLC, VTC Corp, Oleco, Taylor, IMS, Labcoop.

Các doanh nghiệp này đã đưa được 251 lao động sang làm việc tại thị trường này. Cho đến nay chỉ còn 34 lao động Việt Nam đang làm việc theo hợp đồng tại Angola. Những lao động được các doanh nghiệp đưa đi có việc làm, thu nhập, điều kiện ăn, ở, sinh hoạt đảm bảo. Người lao động Việt Nam chủ yếu làm việc trong ngành xây dựng, mức lương cơ bản từ 800 USD - 1000 USD/tháng.

Tuy nhiên, tình hình an ninh tại Angola khá phức tạp, dịch bệnh sốt rét chưa được kiểm soát khiến nhiều lao động hoang mang, lo sợ. Tình trạng cướp cũng xảy ra thường xuyên. Chính vì vậy, Cục Quản lý lao động ngoài nước cảnh báo người lao động chỉ nên đi làm việc tại Angola thông qua các doanh nghiệp đã được Bộ Lao động– Thương binh và Xã hội cấp phép và có hợp đồng đưa lao động đi làm việc tại Angola.

Người lao động không nên đi làm việc tại Angola theo kênh không chính thức bởi đi theo kênh này người lao động sẽ có nguy cơ gặp nhiều rủi ro và không được pháp luật bảo vệ./.