Bộ mặt nông thôn ở các huyện vùng cao ngày càng tươi mới hơn. Cơ sở hạ tầng từng bước được đầu tư đồng bộ đã tạo điều kiện cho địa phương phát triển kinh tế, đời sống văn hóa, tinh thần và chất lượng cuộc sống của người dân vùng cao nâng lên rõ rệt.

Ngôi trường tiểu học ở xã Sơn Long, một xã vùng sâu mới thành lập ở huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi vừa được xây dựng và đưa vào sử dụng. Khó có từ ngữ nào diễn tả hết niềm vui của người dân và những thầy, cô giáo ở đây. Phòng lớp khang trang, trang thiết bị dạy học dù chưa thật sự đầy đủ nhưng đó cũng là niềm vui lớn của học sinh vùng cao này.

vov_truong_hoc_ombk.jpg
Trường học xây dựng kiên cố.

Cô Bùi Thị Mỹ Hiếu, Giáo viên trường tiểu học Sơn Long, huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi bộc bạch: “Trường, lớp đã đầy đủ cơ sở vật chất hơn trước kia. Trước chưa có điểm trường nên phải mượn phòng học của Trường Mẫu giáo. Bây giờ xây trường, học sinh đi học đầy đủ hơn. Ở trường cũng có Phòng Thư viện, dù chưa có đầy đủ nhưng học sinh học thấy cũng ham, cũng thích lắm, cũng đọc sách. Các em có phòng học, học hai buổi nên chất lượng cũng tốt hơn”.

Cùng với cơ sở hạ tầng điện, đường, trường, trạm từng bước được đầu tư đồng bộ thì chính sách hỗ trợ sinh kế cho người dân cũng bước đầu mang lại hiệu quả. Những hộ dân có ý thức tốt, biết tự lực vươn lên, đều biết cách nâng cao thu nhập qua việc chăm sóc các cây, con giống được nhà nước hỗ trợ. Ông Đinh Xuân Trú ở thôn Măng Hin, xã Sơn Long, huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi không giấu được niềm vui khi nhà nước hỗ trợ con giống đã giúp nhà ông có điều kiện chăn nuôi, phát triển kinh tế.

Trong giai đoạn 2012-2018, từ nguồn kinh phí của các chương trình, dự án giảm nghèo hơn 2.588 tỷ đồng, tỉnh Quảng Ngãi đầu tư xây dựng hơn 1.200 công trình hạ tầng thiết yếu như giao thông, thủy lợi, trường học, nước sinh hoạt, trạm y tế, nhà cộng đồng, điện và sửa chữa, nâng cấp, duy tu bảo dưỡng hơn 450 công trình khác.

Các công trình được đầu tư đồng bộ, theo tiêu chí nông thôn mới. Từ đó đã góp phần tăng thu nhập đối với các hộ gia đình tham gia các dự án, mô hình hiệu quả và giúp nhiều hộ thoát nghèo, thoát cận nghèo. Thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo, vùng dân tộc thiểu số tăng lên 1,3 lần so với giai đoạn đầu.

Nuôi dê giúp người dân thoát nghèo.

Đoàn công tác của Hội đồng dân tộc của Quốc hội do ông Nguyễn Lâm Thành, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội dẫn đầu vừa có chuyến công tác kiểm tra thực tế tại tỉnh Quảng Ngãi, đã đánh giá cao kết quả thực hiện các chương trình, chính sách giảm nghèo ở các huyện miền núi của tỉnh Quảng Ngãi.

“Các đồng chí lựa chọn và tập trung vào những cây con mang tính chủ đạo và chiến lược để phục vụ cho phát triển sản xuất và giảm nghèo của người dân. Chúng ta đừng chọn quá nhiều những cây con mà nó xa lạ, nó không thực tế và không hiệu quả. Trên quan điểm là cho người dân làm những cái gì là lợi thế của địa phương. Hãy đưa những gì gần nhất mà người dân làm được ra tiền, dễ tiếp cận thị trường”, ông Nguyễn Lâm Thành gợi ý.

Có thể khẳng định, nhờ chính sách giảm nghèo mà đời sống của người dân các huyện miền núi của tỉnh Quảng Ngãi được nâng lên rõ rệt. Ngoài việc có điện thắp sáng, sử dụng nước hợp vệ sinh thì phần lớn con em của đồng bào dân tộc thiểu số ở đây đã được đi học đúng độ tuổi, tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng ngày càng giảm.

Chính sách giảm nghèo hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi đã thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đến khu vực còn nhiều khó khăn, giúp đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo bền vững./.