Vòng vo trong việc khắc phục hậu quả

Theo lịch hẹn, ngày 4/5, chúng tôi có buổi làm việc với ông Trương Bá Thu, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần XKLĐ và Thương mại du lịch Colecto để làm rõ một số vấn đề về liên quan đến việc công ty đưa ngườilao động (LĐ) đi Angola trái phép. Tuy nhiên, khi đến công ty, chúng tôi không liên lạc được với ông Thu, thay vào đó ông Nguyễn Bá Học - Phó tổng Giám đốc và ông Nguyễn Minh Thuận - trợ lý tổng giám đốc trực tiếp làm việc với lý do ông Thu bận.

Ông Nguyễn Bá Học cho biết:Đi Angola đương nhiên chưa được phép, nhưng ai có nhu cầu công ty sẽ tư vấn và làm thủ tục cho họ. Tuy nhiên, trong quá trình làm có một số phát sinh. Theo sự chỉ đạo của một số cơ quan ban ngành, quản lý chuyên ngành thì công ty đang khắc phục tốt...”.

Mặc dù thừa nhận việc đưa người LĐ đi thị trường Angola khi chưa được Cục quản lý LĐ ngoài nước cho phép là sai, là vi phạm pháp luật và đang được công ty khắc phục tốt, tuy nhiên việc khắc phục được xem là “tốt” đó được thực hiện cụ thể như thế nào thì suốt 1 giờ làm việc chúng tôi chỉ nhận được những câu trả lời kiểu vòng vo của Nguyễn Minh Thuận - trợ lý tổng giám đốc.

Ông Nguyễn Minh Thuận nói: “Thị trường Angola, chúng tôi chỉ là đơn vị làm sau. Người lao động đến đặt vấn đề, công ty muốn làm thí điểm. Khi có vấn đề xảy ra bên Angola, chúng tôi đang tích cực xử lý. Chúng tôi không gây khó khăn cho người LĐ, trên cơ sở thỏa thuận, không đẩy người LĐ vào thế bị ép, không để họ bị thiệt. Trên tinh thần vì quyền lợi của người lao động nên chúng tôi đang rất tích cực giải quyết. Người LĐ muốn về, thì chúng tôi lo các thủ tục, mua vé máy bay cho về nước ngay, nếu ốm đau thì sẽ được liên lạc hỗ trợ. Người lao động mới về còn bức xúc, nhưng chúng tôi xử lý nhanh nên không ai có ý kiến gì…”.

Thậm chí ông Nguyễn Bá Học, Phó Tổng Giám đốc còn thể hiện thái độ không hợp tác, không trả lời báo chí vì lý do: “ảnh hưởng đến uy tín, xâm hại đến nhiều điều của Trung ương Hội, cũng như ảnh hưởng đến cả công ty”.

Mặc dù công ty khẳng định họ giải quyết trên tinh thần thỏa thuận, thương lượng, không đẩy lao động vào thế bị ép và các LĐ đều đồng tình với cách giải quyết của công ty, nhưng qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, mỗi lao động đi Angola đều phải nộp cho công ty này 6.300 USD. Khi về nước, họ chỉ được công ty hoàn trả từ 45 - 60 triệu đồng, chưa bằng một nửa số tiền họ đã nộp trước khi đi.

lan%20tro%20cua%20ldvn%20copy.jpg
Lán trọ của lao động Việt Nam

Lao động Nguyễn Văn Trung, ở thôn Thuần Túy, xã Đông La, huyện Đông Hưng, Thái Bình bức xúc: “Kinh phí cả đi lẫn về tiêu tốn gần 200 triệu đồng mà họ chỉ trả có 60 triệu đồng. Chúng tôi đã nhiều lần lên công ty đòi, lúc đầu họ hứa cho đi thị trường khác, giờ lại nói giải quyết thế là xong, muốn đi thị trường khác thì phải nộp tiền. Khi chúng tôi đến, ông giám đốc toàn trốn, gọi điện đến công ty thì đùn đẩy nhau. Tôi đã cắm 3 sổ đỏ vay ngân hàng, giờ hàng tháng phải trả 1 triệu đồng tiền lãi, biết đến khi nào mới hết nợ đây”.

Bi đát hơn, như gia đình chị Trần Thị Duyên, ở xã Lương Bằng, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên, có chồng là anh Nguyễn Văn Châu đi XKLĐ sang Angola qua công ty này được ít hôm thì bị tử vong do sốt rét. Dưới sức ép của gia đình, sau hơn nửa tháng, xác anh Châu được công ty đưa về nước và công ty có hứa sẽ đền bù thỏa đáng. Tuy hiên, cho đến nay, đã gần 2 tháng trôi qua, gia đình chị Duyên vẫn chưa nhận được bất cứ đồng tiền bồi thường nào từ phía công ty.

Theo phản ánh của người LĐ, anh Nguyễn Văn Châu không phải là trường hợp duy nhất thuộc quân số của công ty này bị tử vong tại Angola.

Lấy mác Hội nông dân để làm ẩu?

Việc công ty Colecto rầm rộ quảng cáo, đưa tin tuyển LĐ đi Angola với mức lương "khủng" thực sự có sức hút với LĐ ở nhiều địa phương, đặc biệt là ở các tỉnh: Nam Định, Thái Bình, Hưng Yên, Hà Nội…

Theo phản ánh của nhiều LĐ, vì nghĩ công ty trực thuộc Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, như các thông tin quảng cáo nên họ hoàn toàn tin tưởng để được công ty đưa đi xuất khẩu LĐ thị trường này.

Trước phản ánh của người LĐ cũng như việc lãnh đạo Công ty Colecto khẳng định, công ty là cơ quan trực thuộc TW Hội Nông dân Việt Nam, chúng tôi đã làm việc với ông Lều Quang Điều, Phó Chủ tịch TW Hội Nông dân Việt Nam. Ông Điều khẳng định:“Công ty Colecto trước kia trực thuộc Hội Nông dân Việt Nam. Sau khi thực hiện chỉ đạo của Ban Bí thư, Hội đã tiến hành cổ phần hóa, trở thành công ty cổ phần và chính thức đầu mối Colecto không trực thuộc Hội nữa. Vì gốc là của Hội Nông dân trước kia, nên Hội đã tạo điều kiện cho mượn trụ sở của Hội thêm 4 năm. Công ty hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, nên những gì họ gây ra thì họ hoàn toàn phải tự chịu trách nhiệm”.

Ông Lều Quang Điều, Phó Chủ tịch TW Hội Nông dân Việt Nam

Ông Điều cũng cho hay, Hội cũng đã nhận được điện thoại, đơn từ của một số nông dân phản ánh về việc công ty này đưa họ đi Angola nhưng không đúng như thỏa thuận. Hội đã yêu cầu công ty sang làm việc cụ thể, nhưng lãnh đạo Colecto luôn lấy lý do thoái thác.

“Với trách nhiệm của cơ quan đại diện bảo vệ quyền lợi của người nông dân, chúng tôi sẽ có buổi làm việc để bảo vệ quyền lợi cho họ. Nếu không thỏa đáng thì yêu cầu công ty phải chịu trách nhiệm về những gì họ gây ra. Công ty phải bồi thường thỏa đáng, đặc biệt là những người đã bỏ số tiền lớn, công ty phải trả lại toàn bộ cho người lao động. Chúng tôi yêu cầu công ty phải chấm dứt ngay việc lợi dụng uy tín của tổ chức Hội khi vẫn đưa "mũ" Trung ương Hội Nông dân. Qua sự việc này, chúng tôi sẽ có văn bản thông báo tới các cơ sở của Hội để biết được việc Công ty Colecto không chịu sự quản lý của Hội và gửi tới các cơ quan báo chí”,ông Lều Quang Điều nhấn mạnh

./.
Trước những bất ổn về an ninh trật tự, dịch bệnh đe dọa đến tính mạng của lao động Việt Nam đang làm việc chui tại Angloa và những sai phạm trong việc đưa người đi LĐ trái phép của công ty Colecto, để làm sáng tỏ vấn đề, VOV đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ LĐTB&XH.

PV: Ông nhận định như thế nào về trào lưu XKLĐ “chui” sang Angola?

Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh:
Lao động Việt Nam qua Angola rất nhiều bằng đường tự do. Bên đó có những công ty được phép nhận lao động nước ngoài và người ta nhượng lại giấy phép cho lao động Việt Nam sang. Đi sang Angola không bắt buộc phải qua công ty XKLĐ nên có thể trực tiếp ký với người lao động. Chỉ cần có hồ sơ gửi sang, được phía Angola nhận vào làm việc, chuyển hồ sơ về đại sứ quán Angola tại Hà Nội, phía đại sứ quán Angola sẽ căn cứ hồ sơ, cấp visa cho lao động.

Về mặt hình thức, giấy tờ thì người lao động sang Angola đều hợp pháp, nhưng Luật pháp của Angola quy định người chủ sử dụng lao động bảo lãnh, thuê lao động thì lao động đó phải làm cho người đó mới là hợp pháp, nếu làm cho chủ sử dụng khác là bất hợp pháp. Mấy chục nghìn lao động Việt Nam sang Angola đều không làm cho người bảo lãnh nên đều là bất hợp pháp, không được bảo vệ quyền lợi. 

Vài năm qua có rất nhiều lao động sang Angola làm việc theo đường như vậy. Chúng tôi đã cảnh báo không có công ty nào được chấp thuận đưa lao động sang Angola.

PV: Ông cũng đã từng trực tiếp sang Angola để khảo sát tình hình, vậy kết quả ra sao?

Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh: Thấy lao động Việt Nam đi Angola nhiều quá nên chúng tôi sang xem có cách nào để hợp thức không. Nhưng quả thực tình hình bên đó rất phức tạp. Hôm chúng tôi sang cũng có 1 đại gia người Việt bị cướp, bị giết. Dịch vụ y tế như máy chém, có những bệnh viện mỗi ngày bắt nộp 1000 USD. Có lao động bị cướp, bị bắn vào đùi, vào viện gắp viên đạn ở phần mềm ra họ đòi hơn 100.000 USD, can thiệp mãi rút xuống còn 15.000 USD.

Bên cạnh đó, việc sách nhiễu của các cơ quan quản lý cũng rất phổ biến. Như tôi có hộ chiếu công vụ, ra sân bay còn bị vòi vĩnh 15-20 USD/người. Phía Angola cũng không muốn ký kết Hợp tác lao động với mình vì bên đó rất nhiều ngành quản lý. Việc chậm trả tiền bên Angola cũng rất phổ biến. Họ chậm trả tiền, nhưng khi mang ra tòa người lao động thường thua. Nhiều khó khăn như thế nên Cục chưa đồng ý cho làm.

PV: Dù Cục chưa đồng ý nhưng trên thực tế thì đã có một số doanh nghiệp có giấy phép hoạt động XKLĐ đưa lao động sang Angola. Về phía cơ quan quản lý, Cục có nắm được tình trạng này?

Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh: Cục chưa chấp thuận cho bất cứ doanh nghiệp nào đưa lao động sang Angola cả. Nếu doanh nghiệp nào đưa sang là vi phạm pháp luật. Chúng tôi đang thanh tra một vài doanh nghiệp, nếu có việc đưa đi như vậy sẽ xử lý theo luật “Đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài”, hình phạt cao nhất là tước giấy phép. Cá nhân lừa đảo XKLĐ sẽ phải tuân thủ theo Luật Hình sự. Tùy theo mức độ vi phạm mới biết xử lý như thế nào.

PV: Được biết, Cục Quản lý lao động nước ngoài đã tiến hành thanh tra đột xuất việc đưa người sang Angola của Công ty Colecto? Kết quả xử lý ra sao, thưa ông?

Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh:
Đoàn thanh tra thực hiện khoảng 3 tuần trước, và định kết luận, nhưng có thêm thông tin từ phía một số địa phương về những vấn đề liên quan đến công ty này nên lại phải làm việc thêm với địa phương đó. Sau thanh tra mới có thể quyết định hình thức xử phạt, kể cả các biện pháp khắc phục hậu quả. 

PV: Với hàng chục nghìn LĐ đi chui như vậy, có cách nào để đảm bảo quyền lợi cho họ không? Đặc biệt là đối với các lao động đang mắc kẹt tại Angola, có nguyện vọng về nước?

Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh: Cục đã có cảnh báo tới các địa phương, và chúng tôi đã thông báo và yêu cầu các địa phương nắm tình hình. Việc quản lý tuyển chọn lao động xuất khẩu còn là trách nhiệm của các địa phương. Chúng tôi thiết tha đề nghị người lao động khi quyết định đi làm việc ở nước ngoài cần tìm hiểu kỹ, vì quyền lợi của mình để không bị lừa đảo, sang đến nơi còn bị coi là không hợp pháp. Đừng chỉ nghe ngóng thu nhập cao là lên đường. Bộ Ngoại giao có Quỹ Bảo hộ công dân, nên người lao động có nhu cầu cần giúp đỡ thì liên hệ với đại sứ quán Việt Nam tại nước sở tại. Người nhà lao động có thể liên hệ với Cục lãnh sự, Bộ Ngoại giao làm cam kết, nhờ giúp đỡ.

PV: Xin cảm ơn ông!./.