Từ ngày 22/7, thành phố Đà Nẵng thực hiện các biện pháp mạnh về phòng, chống dịch Covid-19. Theo đó, Đà Nẵng yêu cầu mọi người dân ở trong nhà, chỉ ra ngoài khi cần thiết như: mua lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu, mua thuốc chữa bệnh, cấp cứu nhưng phải giữ khoảng cách 2m khi giao tiếp, không được tập trung quá 2 người… Thành phố áp dụng chợ hoạt động theo tần suất, tạm dừng các mặt hàng không thiết yếu tại chợ, siêu thị. Tại các chợ truyền thống, lượng người mua bán có giảm hơn trước nhưng vẫn tấp nập.
Tại các chợ đầu mối Hoà Cường, chợ Mới, chợ Thanh Khê 1... khi vắng lực lượng chức năng, người bán hàng rong tụ tập xung quanh chợ. Người đi chợ có thể mua bất cứ hàng hoá thiết yếu nào mà không cần vào chợ.
“Tôi mua ngoài vỉa hè chứ không vào chợ. Tôi đi chợ hàng ngày, nhưng sáng đi sớm, mỗi ngày đi một lần. Đi sớm thì ít người hơn, trễ thì đông người. Khi nào không mua được buổi sáng thì chiều đi làm về tôi mua ngoài đường”, bà Nguyễn Thị Lan, ở phường Thanh Lộc Đán, quận thanh Khê cho biết.
Thành phố Đà Nẵng hiện có 8 trung tâm thương mại, 71 siêu thị tổng hợp, chuyên doanh, hơn 400 cửa hàng tiện lợi và 74 chợ truyền thống. Sau khi phát hiện các ca mắc mới liên quan đến một số chợ, Ban Quản lý các chợ rà soát, giảm số hộ kinh doanh bên trong chợ, giãn cách giữa các lô sạp, tạm đóng cửa các quầy hàng không thiết yếu…
“Hiện nay tất cả các hộ kinh doanh đã ký cam kết, đặc biệt ý thức phòng chống dịch của các hộ kinh doanh đã nâng lên rất nhiều. Ban quản lý trang bị nước sát khuẩn tại tất cả các cổng ra vào chợ. Bà con cũng tự trang bị nước sát khuẩn, khẩu trang… Chúng tôi thường xuyên tuyên truyền trên loa, nhắc nhở bà con thực hiện thông điệp 5K. Kiểm soát chặt người và phương tiện vào chợ theo qui định phòng chống dịch của thành phố”, Ông Diệp Hoàng Thông Anh, Trưởng Ban Quản lý chợ Đầu mối Hoà Cường, quận Hải Châu thông tin.
Trước diễn biến phức tạp của các chuỗi lây nhiễm liên quan đến các chợ, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 thành phố Đà Nẵng yêu cầu ngành y tế phối hợp với các đơn vị, địa phương đồng loạt lấy mẫu xét nghiệm đối với các tiểu thương, nhân viên Ban Quản lý, các lực lượng kiểm soát tại chợ… Qua đó, đánh giá thực trạng và nguy cơ lây nhiễm tại chợ để có giải pháp ứng phó phù hợp.
“Hiện nay công tác phòng, chống dịch tại các chợ đang là vấn đề nóng. Đối với các tiểu thương thì quản lý được nhưng với người đi chợ thì khó. Lâu nay thành phố phát phiếu đi chợ nhưng thực tế phiếu này người dân vẫn đổi nhau đi được. Đề nghị các chợ, các siêu thị phải khai báo y tế, nếu xảy ra dịch thì có thể nắm được, dễ truy vết”, Bác sĩ Nguyễn Tiên Hồng, Phó Giám đốc sở Y tế thành phố Đà Nẵng nêu ý kiến.
Ban chỉ đạo Phòng, chống dịch Covid-19 thành phố Đà Nẵng yêu cầu Sở Công Thương, UBND các quận, huyện chỉ đạo Ban Quản lý các chợ thực hiện nghiêm các quy định về an toàn phòng, chống dịch tại các chợ, siêu thị. Ban Quản lý các chợ thực hiện nghiêm việc đóng cửa các lô sạp kinh doanh không thiết yếu, kiểm soát chặt việc phân chia tần suất đi chợ, giảm 50% số tiểu thương kinh doanh các mặt hàng thiết yếu, kiểm soát chặt thẻ đi chợ và người ra vào chợ…
Ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng chỉ đạo, nếu các chợ không đảm bảo an toàn thì tạm dừng kinh doanh: “Sở Công Thương chỉ đạo quản lý 4 chợ trực thuộc, UBND các quận, huyện tăng cường quản lý các chợ trên địa bàn. Công tác phòng chống dịch trước đây thực hiện rất quy cũ nhưng thời gian gần đây quản lý rời rạc. Đề nghị các đơn vị, địa phương xốc lại đội ngũ, tăng cường việc kiểm tra”./.