Chiều ngày 22/3, tại quận Đồ Sơn, thành phố Hải Phòng Tổng cục Khí tượng Thủy văn (Bộ Tài nguyên và Môi trường) tổ chức “Hội nghị Tổng kết công tác dự báo khí tượng thủy văn phục vụ phòng chống thiên tai năm 2018, triển khai kế hoạch năm 2019”. PGS.TS Trần Hồng Thái - Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV - Phó Trưởng Ban thường trực Ban chỉ đạo phòng chống thiên tai Bộ TN&MT chủ trì Hội nghị.
Hội nghị Tổng kết công tác dự báo khí tượng thủy văn phục vụ phòng chống thiên tai năm 2018, triển khai kế hoạch năm 2019. |
Ông Trần Hồng Thái chia sẻ, với yêu cầu ngày càng cao của xã hội đối với ngành KTTV nên đòi hỏi chính đáng về độ chính xác của các bản tin dự báo, cảnh báo thời tiết phải được nâng cao. Thời gian dự báo dài hơn, các hiện tượng thời tiết nguy hiểm cần được cảnh báo sớm và có phương án phòng tránh hiệu quả. Vì vậy, toàn ngành KTTV phải nỗ lực, nâng cao nhận thức và trách nhiệm phục vụ cộng đồng. Các thành tựu khoa học công nghệ mới cần tiếp tục được cập nhật và có nhiều hợp tác hơn các Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) và các nước phát triển. Chú trọng vào các lĩnh vực số liệu viễn thám, mô hình số trị và phương thức truyền tin.
Ông Thái cho biết thêm: “Hiện nay Bộ Tài nguyên và Môi trường đang rất quan tâm và đã đầu tư cho ngành KTTV cả về cơ sở vật chất, trang thiết bị đang được củng cố và từng bước đổi mới. Thiết bị hiện đại và công nghệ dự báo mới bước đầu đã được đưa vào sử dụng, nâng cao chất lượng các bản tin dự báo, cảnh báo về KTTV cả về nội dung và hình thức. Về mạng lưới trạm quan trắc hệ thống truyền tin, công nghệ dự báo và đào tạo nguồn nhân lực theo hướng hiện đại và tự động”.
Thay mặt Tổng cục KTTV, ông Trần Hồng Thái cho biết, chủ trương định hướng trong năm 2019 và những năm tới đó là tập trung vào việc đổi mới công tác dự báo thời tiết theo hướng hiện đại, tiệm cận với các nước tiên tiến trong khu vực; quán triệt thực hiện các Quy định về phân cấp trách nhiệm ban hành bản tin dự báo, cảnh báo KTTV nguy hiểm cũng như dự báo, cảnh báo KTTV trong điều kiện bình thường.
“Hội nghị chúng ta cũng trân trọng đón nhận những ý kiến đóng góp quý báu của các đồng chí đại diện cho lãnh đạo các cơ quan phòng tránh thiên tai và tìm kiếm cứu nạn như Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai; Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm-Cứu nạn; Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng; Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam; Cục Kiểm ngư và các Viện Khoa học KTTV & BĐKH, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản... để công tác dự báo KTTV phục vụ phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai năm 2019 của Tổng cục KTTV được tốt hơn những năm trước đây. Tôi hy vọng và tin tưởng rằng sau Hội nghị này, các đơn vị trực thuộc Tổng cục KTTV sẽ rút ra những bài học bổ ích trong công tác dự báo KTTV phục vụ phòng chống và giảm nhẹ thiên tai năm 2018, từ đó có bước chuẩn bị và những giải pháp tối ưu để hoàn thành tốt nhiệm vụ dự báo KTTV phục vụ phòng chống và giảm nhẹ thiên tai năm 2019, đặc biệt trong mùa mưa, bão, lũ đang đến gần”, ông Thái nhấn mạnh.
Chia sẻ về kế hoạch năm 2019, ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, Tổng cục Khí tượng Thủy văn cho biết, để hoàn thành tốt công tác dự báo khí tượng thủy văn năm 2019 phục vụ phòng chống, giảm nhẹ rủi ro thiên tai, các đơn vị khí tượng thủy văn cần triển khai thực hiện Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 3/2/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn giai đoạn 2016-2020; thực hiện kế hoạch duy tu, bảo dưỡng công trình khí tượng thủy văn; xây dựng và hoàn thiện phương án quan trắc khi xảy ra bão, mưa, lũ lớn cho các trạm khí tượng thủy văn, trong đó chú trọng việc truyền tin, diễn tập, thực hành các phương án quan trắc để ứng phó hiệu quả các tình huống nguy cấp.
“Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cần theo dõi chặt chẽ, dự báo, cảnh báo sớm, sát diễn biến thời tiết hàng ngày và diễn biến các hiện tượng khí tượng thủy văn nguy hiểm, đặc biệt là bão, lũ, lũ quét, sạt lở đất, mưa lớn; cung cấp kịp thời các bản tin dự báo, cảnh báo cho các cơ quan, ban, ngành ở Trung ương, địa phương phục vụ công tác chỉ đạo, phòng tránh. Nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo thiên tai, trọng tâm là việc cảnh báo, dự báo sớm và chi tiết; tiếp tục nghiên cứu cải tiến nội dung và hình thức các bản tin dự báo khí tượng thuỷ văn nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nhân dân, cộng đồng, tiếp tục phát triển hệ thống dự báo hướng tới dự báo dựa trên tác động, cảnh báo dựa trên rủi ro”, ông Lâm chia sẻ.
Theo ông Lâm, cần tăng cường hợp tác song phương và đa phương để trao đổi thông tin dữ liệu khí tượng thủy văn, nhất là các số liệu khí tượng thủy văn xuyên biên giới; trao đổi, chia sẻ thông tin và công tác phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương để khai thác hạ tầng sẵn có, phát huy sức mạnh tổng hợp nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống thiên tai. Đặc biệt là đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông, đào tạo nhằm đưa thông tin tới người dân, nâng cao năng lực cộng đồng để nắm bắt tình hình, diễn biến thiên tai và chủ động ứng phó trong các tình huống thiên tai, giảm thiểu rủi ro và thiệt hại do thiên tai gây ra./.