Ngày 18/12, tại Hà Nội đã diễn ra lễ công bố bảng xếp hạng doanh nghiệp tuyển dụng mới nhất trong bối cảnh số lượng lao động di cư gia tăng, nhân kỷ niệm Ngày người di cư quốc tế (18/12). Theo bảng xếp hạng, gần 1/3 doanh nghiệp đạt 5 sao trên tổng số 6 sao và không có doanh nghiệp nào được xếp hạng tối đa.
Với sự hỗ trợ của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) và Chính phủ Australia, bảng xếp hạng năm 2015 đã đánh giá 66 doanh nghiệp tuyển dụng của Việt Nam trên cơ sở tuân thủ Bộ Quy tắc ứng xử của Hiệp hội xuất khẩu lao động (VAMAS). Bộ quy tắc này được ban hành năm 2010 và việc xếp hạng thực hiện các quy tắc được ILO hỗ trợ từ năm 2012, trong khuôn khổ chương trình tăng cường quản trị di cư lao động trong khu vực ASEAN.
(Ảnh minh họa) |
Việc xếp hạng này nhằm cải thiện việc thực hiện Bộ quy tắc và trách nhiệm của các đơn vị tuyển dụng. Ngoài ra, việc xếp hạng cũng khuyến khích tuân thủ luật pháp Việt Nam và các tiêu chuẩn quốc tế nhằm tăng cường chất lượng dịch vụ và thương hiệu của doanh nghiệp, đồng thời bảo vệ người lao động di cư tốt hơn.
Ông Nguyễn Lương Trào, Chủ tịch VAMAS nhận định: Các doanh nghiệp tham gia giám sát, đánh giá đã có những chuyển biến tích cực trong việc hoàn thiện hơn các quy chế hoạt động hướng theo chuẩn mực của Bộ quy tắc ứng xử. Đã xuất hiện một số thực tiễn tốt nhằm giảm chi phí cho lao động di cư, chuẩn bị tốt về kiến thức và kỹ năng cho người lao động trước khi xuất cảnh, quản lý lao động khi ở nước ngoài và hỗ trợ lao động về nước.
Ông Trào cũng cho biết thêm, nhiều doanh nghiệp tuyển dụng lẽ ra đã được xếp hạng ở mức cao hơn, nhưng đã mất khá nhiều điểm do người lao động phàn nàn về các mức phí cao.
So với bảng xếp hạng lần đầu tiên, số doanh nghiệp tham gia đã nhiều hơn gấp 3 lần và vào năm tới, con số này sẽ lên tới 90 doanh nghiệp trong tổng số hơn 240 doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam.
Ông Chang-Hee Lee, Giám đốc ILO Việt Nam khẳng định: “Thúc đẩy việc tự điều tiết có ý nghĩa quan trọng nhằm cải thiện dịch vụ tuyển dụng và bảo vệ lao động di cư, khi con số lao động Việt Nam lựa chọn di cư ra nước ngoài làm việc đã tăng và sẽ còn tăng lên. Di cư lao động sẽ tiếp tục là một vấn đề quan trọng mà Việt Nam cần phải giải quyết tốt để hướng tới thực hiện Chương trình nghị sự 2030 về Phát triển Bền vững.
“Người lao động di cư dễ trở thành nạn nhân của nạn buôn bán người và lao động cưỡng bức trong quá trình di cư, tuy nhiên tính dễ bị tổn thương này có thể giảm xuống nếu họ lựa chọn di cư theo các kênh được quản lý tốt, và thông qua một doanh nghiệp tuyển dụng có xếp hạng cao bởi một hệ thống xếp hạng uy tín”, Giám đốc ILO Việt Nam cho biết.
Theo khảo sát đối với lao động trước xuất cảnh do VAMAS thực hiện năm 2015, 3/4 trong số hơn 1.000 người lao động được phỏng vấn cho biết họ phải vay mượn tiền để chi trả các loại chi phí để có thể đi lao động nước ngoài.
Số liệu của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho thấy, số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài gia tăng đều đặn trong các năm qua. Năm 2014 có tới 105.000 lao động so với con số 88.000 vào năm 2013.
Báo cáo toàn cầu của ILO công bố mới đây vào ngày 16/12 cũng chỉ rõ, số lao động di cư trên toàn thế giới hiện đạt tới 150.3 triệu người, trong đó số lượng nam giới di cư để làm việc nhiều hơn phụ nữ./.