Để giảm ùn tắc giao thông khu vực trung tâm thành phố, Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh cùng với một doanh nghiệp dự kiến sẽ khởi động lại đề án thu phí ô tô vào trung tâm thành phố. Đây là giải pháp đã được bàn từ năm 2012 nhưng chưa triển khai vì nhiều lý do. Đến nay, vẫn có nhiều luồng ý kiến khác nhau về giải pháp này.

vov_tp_hcm_bxsq.jpg
Hạn chế xe cá nhân là giải pháp quan trọng

Đề án dự kiến mức thu phí ôtô từ 40.000 đến 60.000 đồng/lượt xe, không thu phí đối với xe buýt và xe công vụ. Chỉ thu phí chiều xe vào trung tâm bằng các máy thu tự động, xe từ trong ra không phải đóng phí. Xe của những người sống trong khu trung tâm khi đi vào cũng sẽ phải trả phí.

Theo đa số người dân, ô tô không phải là lí do kẹt xe ở khu trung tâm. Vấn đề ở đây là trung tâm thiếu chỗ đậu xe, dẫn đến đậu xe trên nhiều tuyến đường và gây ra ách tắc. Mức giá 40.000 đến 60.000 đồng/lượt xe vào đây không phải là vấn đề quá lớn với những người có ô tô. Tuy nhiên, nó lại gây ra mối lo ngại cho những tài xế taxi bởi có thể việc thu phí sẽ tạo nên tâm lí ít đi taxi của người dân hơn.

Anh Hà Xuân Phụng, tài xế taxi bày tỏ: "Các lãnh đạo của thành phố phải nghiên cứu trước khi ra quyết định. Khi có một chiếc xe để kinh doanh như chúng tôi thì giá thành bị ảnh hưởng. Giá thành cao thì người tiêu dùng giảm bớt, chúng tôi ít khách liền".

Nhiều ý kiến khác đề nghị những người lập đề án làm rõ một số vấn đề như: Căn cứ vào đâu để khẳng định ô tô gây nên ùn tắc? Căn cứ vào đâu mà thu tiền xe vào khu trung tâm? Khu trung tâm được định nghĩa như thế nào? Mọi người còn lo ngại, việc triển khai thu phí sẽ tạo hiệu ứng ngược là các xe khi vào khu trung tâm sẽ ngại ra và cứ đậu đỗ trong đó, dẫn đến ùn tắc. Thêm vào đó, các phương tiện công cộng ở trung tâm thành phố cũng chưa đáp ứng nhu cầu người dân.

Theo Tiến sỹ Võ Kim Cương, nguyên Phó Kiến trúc sư Trưởng của thành phố, tất cả các đề án đưa ra trong bối cảnh hiện nay đều có tính khả thi nhưng cũng khó lường được hệ lụy sau đó. Hệ lụy của việc thu phí ô tô vào trung tâm có thể là bản thân trạm thu phí thành điểm ùn tắc nếu như việc thu phí không nhanh. Bài toán giao thông là một dòng chảy phức tạp, có nhiều ngóc ngách khác nhau và phải qua thực tế mới có thể điều chỉnh.

TS. Cương cho rằng: Trong bối cảnh giao thông ngày càng trở nên ách tắc như hiện nay, có đề án giảm ùn tắc thì thành phố cứ mạnh dạn làm thí điểm nhưng cần phải nghiên cứu kĩ.

Nếu đề án được triển khai, ô tô vào trung tâm thành phố phải trả 40 - 60 ngàn đồng/lượt

Hiện ngành giao thông thành phố đang tích cực triển khai nhiều giải pháp khác nhau để giảm ùn tắc giao thông. Trong đó, nhóm giải pháp kiểm soát phương tiện cá nhân được xem là hữu hiệu và quan trọng. Cụ thể là, thành phố tăng cường hiệu quả vận tải hành khách công cộng, nghiên cứu triển khai cấm xe lưu thông theo giờ, cấm xe vào các ngày chẵn- lẻ, xây dựng ngay các bãi xe thông minh có qui mô nhỏ, mỗi bãi từ 10 đến 20 chỗ, nhằm hạn chế tình trạng ô tô đỗ dưới đường.

Sở Giao thông vận tải cũng đề nghị thành phố nghiên cứu đề tài quản lý phương tiện đăng kí mới theo mức độ đáp ứng của hạ tầng giao thông hiện có. Sở cũng khẳng định, việc khởi động lại đề án Thu phí xe ô tô lưu thông vào khu vực trung tâm cũng chỉ là một trong các giải pháp giảm ùn tắc chứ không phải để tăng nguồn thu.

Ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, mục đích thu phí không phải là lấy kinh phí, tạo nguồn thu mà là để kiểm soát lượng xe vào trung tâm, giảm nhu cầu đi lại.

Tính đến ngày 15/11, thành phố đang quản lý đến 7,8 triệu phương tiện, trong đó có hơn 615 ngàn ô tô, tăng gần 10% so với cùng kỳ năm 2015. Hiện mỗi ngày lại có thêm 180 ô tô và cả ngàn xe máy đăng kí mới, thêm vào đó là một lượng lớn xe máy ngoại tỉnh, trong khi diện tích mặt đường tăng không bao nhiêu.

Theo thống kê của Sở Giao thông vận tải, trong 11 tháng của năm 2016 xảy ra 27 vụ ùn tắc giao thông. Nhưng con số này đã bị chính Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng nghi ngờ qua câu hỏi trong buổi làm việc với ngành giao thông: "Có chủ quan không bởi nhân dân cảm nhận ùn tắc giao thông nó tăng mỗi ngày?"

Giảm ùn tắc là việc phải làm ngay, nhưng không phải vì thế mà ngành chức năng đưa ra các giải pháp vội vàng, không phù hợp thực tế./.