Rời quê, lên non gieo chữ

Cô giáo Phạm Thị Thu Hương - Giáo viên trường THCS Nhôn Mai, huyện Tương Dương là một trường hợp như vậy. Ra trường không xin được việc làm ở quê, cô quyết định lên huyện biên giới Tương Dương, tỉnh Nghệ An để dạy học và cô đã hơn 10 năm gắn bó với sự nghiệp giáo dục ở miền biên giới heo hút Nhôn Mai, vững về chuyên môn, tâm huyết và trách nhiệm với nghề nên luôn được học sinh, đồng nghiệp và nhân dân tin yêu. Không chỉ là một giáo viên đầy nhiệt huyết với nghề mà cô còn là tấm gương sáng trong cuộc vận động học tập làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Vừa gặp chúng tôi, cô giáo Phạm Thị Thu Hương chỉ vào căn phòng nhỏ, gió từ bên ngoài thổi xộc vào lạnh căm: "Khó khăn, thiếu thốn vậy đó nhưng học trò ở đây ngoan lắm, hiền lắm, em nào cũng ham học cả". Ngồi bên mái hiên trường, những cơn mưa phùn do ảnh hưởng không khí lạnh hắt vào lạnh cóng, nhưng câu chuyện của cô giáo Hương lại làm cho tôi cảm thấy ấm lòng rất nhiều.

vo_chong_co_giao_wkmq.jpg
Vợ chồng Hương (phía sau) với các em học sinh các dân tộc Nhôn Mai

Tốt nghiệp khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Vinh năm 2003, cô giáo Phạm Thị Thu Hương về dạy học ở Trường PTCS xã Nhôn Mai - một xã biên giới khó khăn nhất của huyện Tương Dương, tỷ lệ hộ nghèo chiếm khoảng 80- 90%, có bản cách xa trường tới hàng chục ki lô mét đường rừng. "Ngày còn nhỏ em đã mơ ước được trở thành cô giáo, được đứng trên bục giảng nên những năm học phổ thông em luôn cố gắng học thật tốt. Đậu đại học, lại được vào học khoa ngữ văn - bộ môn em yêu thích nhất, em vui lắm. Sau khi tốt nghiệp, không xin được việc làm ở quê, vì ở quê hương thừa nhiều giáo viên, nhất là môn ngữ văn.

"Được tin huyện Tương Dương tuyển dụng giáo viên THCS thế là em rủ bạn trai của mình làm hồ sơ dự tuyển. Trúng tuyển, cả nhà vui như Tết, nhưng khi cầm quyết định đi dạy học Nhôn Mai, mẹ ôm em khóc. Mẹ bảo phận con gái lên non vất vả, nguy hiểm. Nghe mẹ nói vậy em cũng e dè. Nhưng rồi hai ngày sau, ước mơ, hoài bão và trái tim thúc giục em phải trở thành một cô giáo đã thôi thúc em lên đường" - cô Hương tâm sự.

Nói đến xã biên giới Nhôn Mai ai cũng biết là khó khăn, núi cao, dốc hiểm, khe suối nhiều,... hơn nữa trường học chưa kiên cố, nhà trường chưa có chỗ ở tử tế cho giáo viên và học sinh, do vậy hàng ngày các em phải đi học hàng chục km. Nói về cái khó của dạy bộ môn ngữ văn ở xã Nhôn Mai, cô Hương tâm sự: “Việc dạy môn ngữ văn ở Nhôn Mai có khó khăn riêng, học sinh chủ yếu là dân tộc Mông, Khơ Mú còn rụt rè, thiếu sách giáo khoa, tài liệu tham khảo, giáo cụ trực quan… khó khăn là vậy, bù lại, các em học sinh nơi đây tình cảm chan hòa, quý mến các thầy cô giáo nên đã góp phần động viên cho cô thêm yêu nghề, vượt qua khó khăn, tích cực bám lớp, bám trường, đổi mới phương pháp và vận dụng kiến thức mới vào giảng dạy”.

Hằng ngày, ngoài dạy chính khóa cho học sinh trên lớp, cô Hương còn tham gia bồi dưỡng học sinh giỏi, phụ đạo học sinh yếu, cùng với đội ngũ giáo viên của trường đi bộ đến thôn bản vận động các em đến lớp. Những năm gần đây, Trường THCS Nhôn Mai không còn tình trạng học sinh bỏ học.

Mỗi ngày đến trường là một ngày vui

Đặc biệt, nhiều em học sinh của trường tham gia các kỳ thi học sinh giỏi ở cấp huyện đều đạt giải, năm học 2011-2012 có 1 em vừa đạt giải 3 môn ngữ Văn và Địa lý tại kỳ thi học sinh giỏi toàn tỉnh, năm học 2013-2014 nhà trường tiếp tục có 1 em dân tộc Mông lọt vào đội tuyển của huyện Tương Dương dự thi học sinh giỏi toàn tỉnh. Phần thưởng đó tuy còn khiêm tốn nhưng đã động viên, khích lệ cho thầy trò của nhà trường, tăng thêm nghị lực cho cô Hương luôn phấn đấu tự học, tự rèn luyện để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ và tích cực tham gia các phong trào, các hội thi do ngành tổ chức.

Giờ ra chơi ở Trường THCS Nhôn Mai.

Đối với đồng nghiệp và các em học sinh, cô luôn giữ mối thân thiện, tạo môi trường làm việc, học tập gần gũi để thầy cô và các em học sinh luôn có cảm nhận “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui”. Không như bao giáo viên khác, ngày về nhận công tác việc đầu tiên của Hương là… tiếp xúc nói chuyện với bà con các dân tộc Thái, Mông, Khơ mú ở Nhôn Mai. Hương nói: "Nói chuyện với họ để mình học tiếng nói của họ, học cách ứng xử của họ để dễ dàng hơn trong giao tiếp".

Thầy Trần Hưng Thái - Hiệu trưởng Trường THCS Nhôn Mai cho biết: “Cô Hương là một giáo viên rất hòa đồng, hòa nhã với đồng nghiệp, người dân địa phương. Là người có trách nhiệm, luôn nỗ lực phấn đấu không ngừng để vươn lên và trở thành giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh. Năng nổ nhiệt tình trong công tác”. Tôi hỏi Hương “Cái gì khiến em luôn phấn đấu không ngừng để trở thành giáo viên dạy giỏi?”. Hương không trả lời thẳng câu hỏi mà cô chỉ xuống đám học trò đang nô đùa dưới tán cây xanh, mỉm cười. Và tôi đã tìm thấy câu trả lời của Hương trong nụ cười ấy, cũng dễ hiểu thôi vì tôi cũng là một nhà giáo.

Với người thầy, học trò là số 1, “Tất cả vì học sinh thân yêu” mà!...Rồi Hương lại nhìn tôi, nói ra những lời tự đấy lòng mình: “Em luôn ghi trong tim mình lời dạy của Bác Hồ-“Nếu không chịu khó học thì không tiến bộ được. Không tiến bộ là thoái bộ. Xã hội càng đi tới, công việc càng nhiều, máy móc càng tinh xảo. Mình mà không chịu học thì lạc hậu, mà lạc hậu thì bị đào thải, tự mình đào thải mình”- Vì thế không chỉ chắt chiu kiến thức mình có được ở trường đại học mà em phải học ở đồng nghiệp trong trường hay những giáo viên dạy giỏi có nhiều kinh nghiệm ở trong huyện hay các huyện khác”.

Tôi khâm phục cô giáo Hương ở sự đam mê, sự kiên trì và chịu khó và quả thật ở hoàn cảnh của Hương, trong một môi trường dạy học như vậy, nếu không có sự đam mê, nếu không kiên trì, chịu khó thì khó mà dạy giỏi được! Không có điện lưới, không có điện thoại, không có Internet nên mỗi lần nghỉ hè Hương đều phải tìm đến những đồng nghiệp, các anh chị có nhiều kinh nghiệm, đã nhiều lần đạt giảo viên dạy giỏi cấp tỉnh, rồi lên tỉnh tìm mua sách tham khảo, tranh thủ vào mạng để tìm kiến thức bổ sung cho sự thiếu thốn của mình.

Với những cố gắng và nỗ lực đóng góp cho sự nghiệp giáo dục ở xã biên giới Nhôn Mai, nhiều năm liền cô giáo Phạm Thị Thu Hương đều đạt giáo viên dạy giỏi cấp huyện và năm học 2012-2013 niềm vui được nhân lên nhiều lần bởi cô vừa đạt giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh. “Thế còn chuyện gia đình thì sao?” - Tôi nhìn cô giáo Hương hỏi nhỏ.

Cô giáo Hương mỉm cười: “Chồng em quê ở xã Diễn Đồng, huyện Diễn Châu. Chúng em yêu nhau từ khi còn ở giảng đường Đại học Vinh, nên cả hai đứa rủ nhau nộp hồ sơ dự tuyển, không ngờ cả hai đều trúng tuyển, thế là chúng em cùng về đây dạy học, vài năm sau chúng em tổ chức đám cưới, bây giờ thì đã có con, cháu ở với ông bà nội ở Diễn Châu”.

Qua thầy Trần Hưng Thái - Hiệu trưởng Trường THCS Nhôn Mai, tôi được biết chồng Hương, thầy giao Bùi Văn Phương (giáo viên tiếng Anh) cũng là một giáo viên có năng lực, nhiệt huyết và là cán bộ công đoàn có trách nhiệm với nhà trường và đồng nghiệp.

 Tôi hỏi Hương: “Đã 10 năm gắn bó với mảnh đất biên giới này, bây giờ em là giáo viên dạy giỏi câp tỉnh, có đủ điều kiện để xin về một trường thuận lợi hơn, sao em chưa tính?”. Hương lắc đầu, rồi cười đùa: “Bao giờ bà con Nhôn Mai chán em thì mới tính đến chuyện ấy”. Rồi Hương nói với tôi: Nơi đây cuộc sống của đồng bào dân tộc Thái, Mông, Khơ Mú còn nghèo khó, thiếu thốn, điều kiện đi lại khó khăn, chính vì thế việc học tập của con em cũng trở nên gian nan, vất vả. Cơ sở vật chất trang bị cho việc dạy và học ở đây chưa đảm bảo, lớp học chưa kiên cố.

ác em học sinh cần chúng em, đồng bào các dân tộc nơi đây rất cần chúng em, chúng em nỡ lòng nào mà xa học sinh của mình, xa đồng bao nơi đây, khi mà sự nghiệp vẫn còn dang dở. Hương đăm chiêu nhìn ra con đường đất đỏ ngoằn nghoèo lượn dưới chân núi. Những đứa học sinh của Hương không biết đã bao lần đi trên con đường ấy, khó khăn, trèo đèo lội suối, mùa mưa có những quãng đi qua suối mà nước ngập đến gần ngang người.

Vì thế, việc giữ chân các em ở lại trường càng khó khăn gấp vạn lần. Nhưng, dù công việc dạy học ở nơi biên giới heo hút này còn gặp nhiều khó khăn đủ bề, xa cuộc sống ồn ào nhộn nhịp nơi đô thị, xa những người thân thương của mình, nhưng Hương và đồng nghiệp của cô vẫn cảm thấy vui với sự lựa chọn của mình.

Bởi họ nghĩ mình đang làm một việc có ích cho xã hội “gieo chữ ở vùng biên cương Tổ quốc”, đem đến cái chữ cho học sinh các dân tộc vùng biên giới này là một niềm vui và vinh dự lớn, vì thế Hương và đồng nghiệp của mình đã lãng quên cuộc sống đầy đủ nơi đô thị, họ vẫn còn nặn tình, nặng nghĩa với đất và người Nhôn Mai./.