Ngày 10/12 tới, vaccine Covid-19 đầu tiên của Việt Nam sẽ vào giai đoạn 2, tuyển tình nguyện viên tiêm thử nghiệm. Được biết, để tiến tới giai đoạn này, vaccine của Nanogen đã vượt qua nhiều quy trình đánh giá về độ an toàn.
Đây là loại vaccine được phát triển bằng công nghệ tái tổ hợp, bao gồm protein S của 2 chủng virus Vũ Hán và chủng đột biến D614G. Vaccine được sản xuất trên quy mô phòng thí nghiệm, trải qua nhiều đợt đánh giá. Vaccine của Nanogen đã được gửi ra nước ngoài làm test thử thách trên động vật linh trưởng, đánh giá tính an toàn, khả năng sinh miễn dịch trên động vật.
Theo đại diện của NANOGEN, đơn vị nghiên cứu thành công 4 loại kháng thể trên trình tự của 4 loại kháng thể phân lập từ các bệnh nhân Covid-19 phục hồi. Mẫu vaccine cũng được gửi Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đánh giá tính an toàn. Theo đánh giá, hoạt tính trung hoà trên virus của vaccine đạt yêu cầu.
Ông Nguyễn Ngô Quang, Phó Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và đào tạo (Bộ Y tế) cho biết, vaccine này bước đầu được các cơ quan chuyên môn đánh giá có thể an toàn. Ngoài ra, vaccine cũng có tính sinh miễn dịch sau sản sinh kháng thể.
"Để đánh giá về hiệu lực bảo vệ của vaccine sẽ kéo dài trong bao lâu thì chưa thể khẳng định ngay được mà cần phải có nghiên cứu thêm"- ông Quang cho biết thêm.
Dự kiến, trong lần thử nghiệm đầu tiên sẽ có 20 người tình nguyện khoẻ mạnh được tiêm vaccine Covid-19 của Việt Nam. Trong đó, nhóm nhỏ từ 1 đến 2 người sẽ được tiêm những mũi đầu tiên. Sau đó họ sẽ được theo dõi phản ứng trong 24 - 72 giờ. Nếu đảm bảo an toàn, những nhóm còn lại gồm 18- 19 người tiếp tục được tiêm.
Việc thử nghiệm trên những nhóm nhỏ sẽ được thực hiện trong khoảng 3 tháng và mở rộng hơn ở nhóm tầm 60, 400 và 600 người.
Những người tham gia tiêm thử nghiệm vaccine Covid-19 đầu tiên của Việt Nam được lựa chọn phải là những người khoẻ mạnh, độ tuổi từ 18 - 60, không có tiền sử bệnh tật, mắc bệnh lý nền hay dị ứng. Các tình nguyện viên sẽ được chia thành từng nhóm và tiêm thử nghiệm theo từng liều lượng khác nhau từ 25 mg, 50 mg đến 75 mg.
Nhóm này cũng phải được kiểm tra, khai thác kỹ về tiền sử sức khoẻ cũng như các phản ứng với thuốc, thực phẩm. Theo các nhà nghiên cứu, vaccine Covid-19 giống như nhiều loại thuốc khác, đều có khả năng gây ra những phản ứng không mong muốn, nên việc chọn lựa, sàng lọc cần phải thận trọng, cẩn thận.
Học viện Quân y cho biết, đã chuẩn bị sẵn sàng về cơ sở vật chất, trang thiết bị xét nghiệm cho các tình nguyện viên. Học viện cũng cử các bác sĩ cấp cứu sẽ liên tục theo dõi sức khoẻ của những trường hợp tiêm vaccine để sẵn sàng có biện pháp xử lý kịp thời nếu có những phản ứng xảy ra.
"Nếu mọi việc diễn ra suôn sẻ, khoảng 4 tháng nữa sẽ hoàn tất việc thử nghiệm lâm sàng vaccine. Sau đó, các nhà nghiên cứu sẽ tính đến phương án đưa vào vaccine vào tiêm chủng"- đại diện Công ty Nanogen cho biết.
Trước đó, tại cuộc họp báo cáo tình hình nghiên cứu sản xuất vaccine Covid-19 trong nước, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long bày tỏ quan điểm hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các đơn vị sản xuất vaccine bao gồm việc cắt giảm tối đa các thủ tục hành chính và sẽ giải quyết nhanh việc đăng ký, cấp phép sản phẩm. Bộ Y tế sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ về chủ trương đầu tư cho các đơn vị sản xuất vaccine đồng thời sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan để hỗ trợ các đơn vị có thể tiếp cận được nguồn vốn cho việc nghiên cứu, sản xuất vaccine./.