Trung bình mỗi năm, trên địa bàn Hà Nội xảy ra gần 200 vụ cháy lớn nhỏ, 500 sự cố chập điện, gây thiệt hại cả về người và tài sản (ước tính 50 tỷ đồng mỗi năm). Thực tế đó cho thấy, công tác phòng cháy chữa cháy trên địa bàn Hà Nội luôn là vấn đề thách thức. Câu hỏi được đặt ra là vì sao, những tồn tại, tổn thất này lại kéo từ năm này qua năm khác, dù cho ngành chức năng thành phố rất nhiều lần quyết tâm chấn chỉnh?

“Nếu các đồng chí nhìn clip chúng tôi quay lại thực sự sẽ sốc”, ông Nguyễn Hoài Nam, Trưởng Ban Pháp chế Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội đã nói như vậy về thực trạng phòng cháy, chữa cháy tại khu chung cư Đền Lừ, Mễ Trì (Hà Nội).

 Ý kiến của ông Nguyễn Hoài Nam là hoàn toàn xác đáng, bởi theo ghi nhận của phóng viên Đài TNVN, hệ thống phòng cháy, chữa cháy tại khu chung cư này gần như “tê liệt” hoàn toàn. Không có hệ thống báo cháy, không bình chữa cháy, không lối thoát nạn...

Bà Nguyễn Thị Thanh Bình, ở tại tòa nhà C, khu tái định cư Đền Lừ, quận Hoàng Mai cho biết, người dân luôn bất an về nguy cơ cháy nổ, nhất là sau một số vụ cháy xảy ra trên địa bàn. “Cái lý” mà những ban, ngành có trách nhiệm của thành phố Hà Nội đưa ra để giải đáp về thực trạng đáng lo ngại này là do lịch sử để lại.

Bà Nguyễn Thị Thanh Bình nói: “Ở đây không có hệ thống cứu hỏa nên rất sợ. Nhà xe có nhiều xe gửi vào nhiều thì khả năng cháy nổ cao. Bây giờ lỡ có vấn đề gì xảy ra thì chẳng biết giải quyết như thế nào. Chúng tôi cũng kiến nghị nhiều lần, nhiều nơi rồi nhưng chưa giải quyết được”.

chua_chay_2_vov_wukt.jpg
Khu tái định cư Đền Lừ, Hà Nội không một thiết bị phòng cháy chữa cháy

Không chỉ yếu kém về phòng cháy, chữa cháy tại các tòa nhà tái định cư, mà tại các khu chung cư thương mại mới đưa vào sử dụng cũng chẳng khá hơn là bao. Theo thống kê, trên địa bàn Hà Nội hiện có trên 1.000 công trình nhà cao tầng, phần lớn trong số đó đã đưa vào sử dụng. Nhận định của các cơ quan chức năng cho thấy, phòng cháy chữa cháy tại các chung cư cao tầng đang là thách thức lớn đối với Hà Nội. Không chỉ thiếu về lực lượng, mà trang thiết bị phòng cháy, chữa cháy còn rất thiếu.

Các tòa nhà cao từ 20 đến 30 tầng, thậm chí 40 tầng mọc khắp các quận nội thành, nhưng phương tiện - xe thang chữa cháy hiện đại nhất cũng chỉ có thể vươn tới tầng 18. Trong khi đó, hệ thống phòng cháy, chữa cháy tại chỗ như: cảm biến khói, báo cháy tự động, bình bột chữa cháy, họng tiếp nước… nơi có nơi không. Bởi, mục tiêu hàng đầu của chủ đầu tư dự án là bán được nhiều căn hộ, chứ không phải đảm bảo tốt nhất cho người dân trong phòng, chống cháy nổ.

Đại tá Nguyễn Ngọc Châu, Trưởng phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy số 8 Hà Nội cho biết: “Việc tổ chức phòng cháy chữa cháy đối với công trình nhà cao tầng gặp rất nhiều khó khăn. Khi xây dựng phương án phòng cháy chữa cháy ở đây chủ yếu là hướng dẫn người dân ý thức tự phòng, thoát nạn, coi trọng việc giữ an toàn”.

Không chỉ là những tồn tại lịch sử, thiếu trang thiết bị hiện đại, thực trạng phòng cháy, chữa cháy yếu kém, bất cập tại Hà Nội còn có yếu tố chủ quan, buông lỏng. Minh chứng cho điều này là không ít các tòa nhà trên địa bàn thành phố chưa nghiệm thu phòng cháy, chữa cháy vẫn được đưa vào sử dụng. Gần đây nhất là việc ngành chức năng Hà Nội công bố 38 công trình không thực hiện, hoặc thực hiện không đầy đủ các quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy.

Liên quan đến vấn đề dư luận bức xúc này, phát biểu tại kỳ họp Hội đồng nhân dân thành phố vừa qua, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội nêu “Liệu cảnh sát phòng cháy, chữa cháy có sân sau không?”. Bởi những yếu kém trong phòng cháy, chữa cháy tồn tại từ lâu, nhiều vụ việc gây tổn thất cả về người và của, có trách nhiệm của Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy.

“Những tồn tại liên quan đến phòng cháy, chữa cháy, những tòa nhà không được kiểm định, kiểm nghiệm, trách nhiệm trước hết thuộc về UBND thành phố. Nhưng trách nhiệm quản lý, giám sát, phê duyệt là cảnh sát phòng cháy chữa cháy. Dư âm đâu đó, liệu cảnh sát phòng cháy chữa cháy có sân sau? Có người thân, người quen vào bán thiết bị, nên khi doanh nghiệp chây ỳ ra không nói được”- ông Nguyễn Đức Chung nói.

Ngoài những yếu kém từ nguyên nhân khách quan, việc hàng chục chung cư cao tầng mất an toàn phòng cháy, chữa cháy nhưng vẫn được đưa vào sử dụng đã nói lên cung cách quản lý của Hà Nội trước vấn đề quan trọng này. Chừng nào ngành chức năng thành phố còn “đủng đỉnh”, nghi vấn “sân sau” của lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy chưa được làm rõ, thì nỗi bất an cháy nổ của những người dân sống trong các tòa nhà chung cư vẫn còn hiện hữu./.