>> Việt Nam chung sức phòng ngừa và kiểm soát dịch cúm A/H1N1

Bác sĩ Nguyễn Văn Châu, Giám đốc Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Thực hiện việc giám sát hành khách đi cùng chuyến bay với bệnh nhân L.T.B, dương tính với cúm A/H1N1 đang được cách ly ở Hàn Quốc, Sở Y tế đã xác định trong 34 hành khách đi cùng bệnh nhân này có 18 hành khách cư ngụ tại thành phố Hồ Chí Minh. Do đó, vào đêm 20/5 đến 2 giờ sáng 21/5, Sở Y tế đã huy động lực lượng chuyển 14 hành khách về Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới để cách ly điều trị. Hiện 11 ca đã có kết quả xét nghiệm âm tính với virus cúm A/H1N1, 3 trường hợp đang chờ kết quả xét nghiệm.

Đối với 4 trường hợp còn lại đã về các tỉnh, Sở Y tế TP.Hồ Chí Minh đã liên lạc với Sở Y tế các tỉnh để hỗ trợ cách ly, giám sát. Dự kiến đến ngày 23/5 tất cả các hành khách này đều sẽ qua 7 ngày cách ly, kiểm dịch.

Ngày 21/5, qua kiểm tra thân nhiệt tại sân bay Tân Sơn Nhất, phát hiện thêm 4 hành khách có thân nhiệt cao trên 37độ C, trong đó 2 trường hợp đã có kết quả xét nghiệm âm tính với virus cúm A/H1N1, 2 trường hợp còn lại đang chờ kết quả xét nghiệm. Từ ngày 26/4 đến ngày 20/5, tại TP.Hồ Chí Minh đã có tổng số 49 trường hợp được đưa vào bệnh viện cách ly từ nguồn kiểm dịch y tế quốc tế và cộng đồng, các trường hợp này đều có kết quả xét nghiệm âm tính với virus cúm A/H1N1.

** Tại Đà Nẵng, Sở Y tế chỉ đạo hệ thống y tế giám sát dịch tiêu chảy cấp do phẩy khuẩn tả và dịch cúm A/H1N1 suốt ngày đêm; chủ động thực hiện công tác kiểm tra, đôn đốc để phát hiện, bao vây, dập dịch tiêu chảy cấp trong thời gian sớm nhất, kiên quyết không để dịch bùng phát trên diện rộng; giám sát chặt chẽ tại các cửa khẩu quốc tế để phát hiện, cách ly và điều trị kịp thời các trường hợp nghi nhiễm cúm A/H1N1, không để dịch lây lan.

Ngoài ra, Sở Y tế Đà Nẵng phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, nhất là tại các điểm ăn uống đông người, các cơ sở chế biến, cung cấp thức ăn tươi sống, các điểm giết mổ, việc vận chuyển và tiêu thụ thịt chó, thịt gia súc, gia cầm; tăng cường giám sát các nguồn nước sinh hoạt, nhất là nước giếng, ao hồ, ngăn ngừa, hạn chế sự lây nhiễm, phát tán bệnh, bảo đảm nguồn nước sạch cho nhân dân.

** Tỉnh Phú Thọ tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ các biện pháp để phòng ngừa, phát hiện sớm, ngăn chặn và xử lý kịp thời; kiên quyết không để dịch xâm nhập, lây lan; tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao hiểu biết của người dân về các biểu hiện bệnh, đường lây nhiễm, cách phòng tránh dịch cúm A/H1N1 và dịch tiêu chảy cấp do phẩy khuẩn tả. Đồng thời, vận động mọi người tích cực tham gia phòng, chống dịch; thực hiện ăn chín, uống sôi để phòng tránh dịch tiêu chảy cấp và một số bệnh mùa hè khác.

** Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Yên Bái phối hợp với Trung tâm y tế cơ sở khoanh vùng để phun thuốc khử trùng tiêu độc; dùng CloraminB khử trùng nước giếng; đồng thời tiếp tục tăng cường đội ngũ chuyên môn giỏi theo dõi sát sao diễn biến của dịch bệnh…

** Ngay sau khi phát hiện các ca tiêu chảy cấp đầu tiên, Thái Bình đã triển khai khẩn cấp công tác phòng chống dịch. Tỉnh thành lập 8 đoàn giám sát các hoạt động phòng chống dịch; khoanh vùng xử lý triệt để môi trường, chất thải của bệnh nhân tiêu chảy cấp, cho gia đình các bệnh nhân uống thuốc dự phòng. Các đơn vị y tế tập trung giám sát chặt chẽ các bệnh nhân bị mắc bệnh, phát hiện kịp thời các ca mắc, cách ly, điều trị, xử lý triệt để ổ dịch; tăng cường kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm, nhất là tại các điểm ăn uống đông người, các cơ sở chế biến, cung cấp thức ăn tươi sống, các điểm giết mổ, việc vận chuyển tiêu thụ thịt chó, thịt gia súc, gia cầm...

Trung tâm y tế dự phòng tỉnh đã cấp 11 tấn hóa chất khử trùng cloramin cùng các trang thiết bị chống dịch cho 8 huyện, thành phố trong tỉnh. Ngành y tế cũng bảo đảm cung ứng đủ cơ số thuốc cho các tuyến, phục vụ công tác điều trị tiêu chảy cấp.

** UBND tỉnh Lào Cai tổ chức hội nghị triển khai công tác phòng chống dịch bệnh nguy hiểm ở người. Hội nghị nhận định Lào Cai là tỉnh có nguy cơ cao về phát dịch 2 căn bệnh nguy hiểm: tiêu chảy cấp và cúm A(H1N1) ở người.

 Ngành Y tế tham mưu cho tỉnh chỉ đạo triển khai các biện pháp theo dõi, giám sát, phòng ngừa tình hình dịch bệnh trên địa bàn. Chính quyền địa phương các cấp sớm kiện toàn Ban chỉ đạo và sẵn sàng vào cuộc phòng chống dịch, khi cần phải huy động được ngay các lực lượng tại chỗ dập dịch, tuyên truyền cho người dân chủ động phòng chống dịch, tuyệt đối không sử dụng các loại thực phẩm tiềm ẩn tác nhân gây bệnh; thực hiện vệ sinh, khử khuẩn môi trường, nguồn nước và đảm bảo an toàn thực phẩm. Các tuyến huyện, tỉnh chuẩn bị cơ số thuốc, phương tiện, phòng điều trị cách ly, cũng như các điều kiện sẵn sàng cho dập dịch và cấp cứu người bệnh, không để dịch phát tán trên diện rộng.

** Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Bình Phước Tô Đức Sinh cho biết: Diễn biến tình hình sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh hiện rất phức tạp, số trường hợp mắc bệnh liên tục tăng cao, gấp đôi so với cùng kỳ năm 2008. Trung bình một tuần có hơn 40 bệnh nhân mắc sốt xuất huyết.

Nguyên nhân là do thời tiết diễn biến phức tạp, mưa sớm hơn mọi năm, virus gây bệnh sốt xuất huyết lưu hành quanh năm, dễ gây bệnh khi gặp điều kiện thuận lợi. Bình Phước đã có 725 ca mắc bệnh sốt xuất huyết, tập trung chủ yếu ở huyện Đồng Phú 235 trường hợp, thị xã Đồng Xoài 200 trường hợp. Trước tình hình trên, ngành y tế Bình Phước đã tổ chức phun thuốc trên diện rộng, diệt loăng quăng tại các khu vực có người mắc bệnh độ 3 và độ 4, tổ chức phun hơn 150 lít hóa chất tại 3 xã có ổ dịch nhỏ tại huyện Đồng Phú. Ngành y tế sẽ mở chiến dịch diệt loăng quăng tại 10 xã có dịch bệnh sốt xuất huyết, tổ chức hai vòng chiến dịch phun thuốc diệt muỗi./.