Đây là dịp hội ngộ của các chiến sĩ Thành cổ, những người đại diện cho thế hệ trẻ một thời sục sôi nhiệt huyết với lý tưởng cách mạng, kiên cường bám trụ Thành cổ, chấp nhận hy sinh chiến đấu dưới mưa bom bão đạn của kẻ thù.
Về dự Đại hội, các chiến sĩ Thành cổ có dịp hội ngộ sau hơn 40 năm xa cách ôn lại truyền thống cách mạng vẻ vang và sự cống hiến to lớn của các lực lượng vũ trang từng chiến đấu trong lòng Thành cổ Quảng Trị trong chiến dịch 81 ngày đêm, giành thắng lợi về quân sự trên chiến trường để tạo lợi thế cho đàm phán tại hội nghị Paris nhằm chấm dứt chiến tranh, lặp lại hòa bình ở Việt Nam.
Thấm thoát đã hơn 40 năm, những chiến sĩ hiên ngang một thời ngoài trận mạc, nay trở về với cuộc sống đời thường. Nhiều người đã ở vào tuổi “xưa nay hiếm”. Gặp lại nhau trong cảm xúc dâng trào, với những cái bắt tay thật chặt và đau buồn trước những mất mát hi sinh của đồng đội.
Tự hào là người lính từng tham gia chiến đấu 81 ngày đêm để bảo vệ Thành cổ Quảng Trị, Đại tá Nguyễn Kim Hồng ở huyện Mê Linh, Hà Nội vẫn luôn đau đáu về những đồng đội không may nằm lại lòng Thành Cổ. Trong 81 ngày đêm ấy, ông làm Tham mưu trưởng hậu cần mặt trận B5.
Ông kể: “Nước sông Thạch Hãn dâng lên cao, trong khi địch bao vây xung quanh, việc bảo đảm cho anh em chiến đấu 81 ngày đêm là rất vất vả. Tuy vậy, chúng tôi vẫn sẵn sàng hy sinh để thực hiện nhiệm vụ chính trị Đảng giao cho. Tôi bị thương do máy bay địch ném bom. Nếu không có anh em, đồng chí tôi đã chết. Đến đây, gặp lại nhiều đồng chí, anh em chung tôi xúc động lắm. Không ngờ mình còn sống. Thậm chí còn nói với nhau là “tôi tưởng cậu chết rồi”.
Thắng lợi trong trận chiến 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ thật huy hoàng nhưng cũng nhiều hy sinh mất mát. Máu xương của hàng vạn chiến sĩ đã đổ xuống và hàng ngàn người đã vĩnh viễn nằm lại chiến trường.
May mắn là người sống sót trở về sau cuộc chiến, ông Nguyễn Quang Dõng, tỉnh Quảng Trị luôn day dứt trong lòng khi biết nhiều đồng đội của mình vẫn còn nằm dưới đáy sông lạnh lẽo và vẫn còn những chiến sĩ khác còn khó khăn trong cuộc sống. Vì vậy, ông mong muốn Hội Chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị sẽ trở thành mái nhà chung, để anh em có cơ hội thăm hỏi động viên, chăm sóc, giúp đỡ nhau trong cuộc sống.
Ông Nguyễn Quang Dõng nói: “Tôi mong muốn Hội tạo điều kiện để hội viên chăm sóc, giúp đỡ nhau nhiều hơn. Thông qua các tổ chức của hội để làm sao các đồng chí không có điều kiện có thể về lại Quảng Trị thắp nén hương cho đồng đội ngày xưa và tổ chức nhiều hơn nữa cho các đồng chí được về thăm lại chiến trường. Thông qua các đồng đội gặp lại nhau nhiều hơn và có có nhiều hoạt động giao lưu thế hệ trẻ chia sẻ về kinh nghiệm chiến trường”.
Cuộc chiến đấu 81 ngày đêm bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị mùa hè đỏ lửa năm 1972 mãi là khúc tráng ca trong lịch sử chiến tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc. Trước sự tấn công cực kỳ dã man của địch, hàng vạn cán bộ, chiến sĩ bảo vệ Thành cổ gan vàng dạ ngọc, bản lĩnh vững vàng và sáng tạo tuyệt vời, cống hiến hết mình làm nên chiến công hiển hách. Sự cống hiến, hy sinh đó của hàng vạn cán bộ, chiến sĩ đã góp phần làm nên thắng lợi vang dội của cuộc chiến 81 ngày đêm bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị, qua đó tiến đến giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Ông Lê Xuân Tánh, Trưởng Ban vận động thành lập Hội Chiến sĩ Thành cổ tỉnh Quảng Trị năm 1972 cho biết: Hội được thành lập để mọi người cùng chung tay góp sức tìm kiếm hài cốt, hương khói, khắc ghi tên tuổi để lưu danh các anh hùng liệt sĩ; dựng nơi thờ cúng, tổ chức tư vấn cho gia đình liệt sĩ tìm hài cốt người thân. Đồng thời vận động toàn thể hội viên giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo và kiến nghị với nhà nước, các bộ, ban, ngành liên quan giải quyết chính sách đang tồn đọng cho hội viên theo pháp luật.
Ông Lê Xuân Tánh nói: “Sau 40 năm các chiến sỹ trở về địa phương chúng tôi mới được gặp nhau. Đáng lẽ đại hội phải thành lập sớm hơn để tập hợp đông đủ hơn. Với lực lượng 6 sư đoàn và các lực lượng khác có thể lên vài chục ngàn đến vài trăm ngàn. Đại hội lần này, chúng tôi chủ yếu là uống nước nhớ nguồn, tri ân đồng đội, nghĩa tình đồng chí, và gương mẫu thực hiện các mục tiêu kinh tế xã hội của đất nước.”.
Dũng khí oai hùng và phẩm chất tuyệt vời vẫn còn nguyên trong chiến sĩ Thành cổ hôm nay. Đại hội lần này tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm, đóng góp trí tuệ, đoàn kết, dân chủ vì mục tiêu: “Đáp nghĩa đền ơn, tri ân đồng đội, nghĩa tình đồng chí; Sống gương mẫu, tích cực thực hiện các mục tiêu kinh tế xã hội của đất nước”./.