Thống kê của Sở NN&PTNT Hà Tĩnh cho thấy, sự cố môi trường tại 4 tỉnh miền Trung đã gây thiệt hại rất lớn đối với Hà Tĩnh. Toàn tỉnh có 33 xã, phường, thị trấn ven biển trên 6 huyện, thị xã trực tiếp bị ảnh hưởng; số lượng người chịu tác động trực tiếp là 48.000 người; giá trị thiệt hại ban đầu ước khoảng 2.000 tỷ đồng.

ht3_vov_xmwt.jpg
Sau sự cố Formosa, đến nay nhiều tàu thuyền ở Hà Tĩnh vẫn nằm bờ.

Cán độ địa phương “đau đầu”

Khi phóng viên VOV.VN có mặt tại xã Kỳ Hà, thị xã Kỳ Anh dù đã quá trưa, nhưng lãnh đạo xã, thôn vẫn đang họp để thẩm định hồ sơ bồi thường. Ông Lê Văn Luyện, Chủ tịch UBND xã Kỳ Hà cho hay: “Chúng tôi làm việc không kể thứ 7, Chủ nhật, kể cả ban đêm, khi nào chưa xong hồ sơ cho dân là chưa được nghỉ. Đã có tình trạng không thể họp được thôn để xét danh sách. Trưởng thôn bảo trả không làm nữa vì khó quá. Nhiều cán bộ do lần đầu làm nên lúng túng. Chúng tôi cũng cố gắng, tuy nhiên, để hoàn thành xong trước Tết là rất khó”.

Ông Lê Văn Luyện, Chủ tịch UBND xã Kỳ Hà, Kỳ Anh cho biết đang làm thử tục cả ngày nghỉ để kịp bồi thường, hỗ trợ người dân trước Tết.

Theo lãnh đạo xã Kỳ Hà, cái khó của việc giải ngân tiền đền bù ở đây là do số lượng tàu thuyền nhiều, lượng lao động rất đông. Thông thường một tàu có ít nhất 5 – 6 người, thậm chí có những tàu có 11 – 12 người. Bên cạnh đó còn liên quan đến các đơn vị, cá nhân “vãng lai” hoạt động tại địa phương. Ví dụ người miền Nam ra đây đi biển thì phải xác minh rõ ràng, tránh tình trạng trả nhầm. Điều này cực kỳ khó, bởi dân miền biển đi làm nhiều khi chính quyền không thể quản lý hết được.

Cảng cá thưa vắng những con tàu đi biển

Bên cạnh đó, danh sách dân đưa lên và con số thực tế “vênh” nhau rất lớn sau khi xác minh. Cụ thể như ở thôn Bắc Hà, người dân kê khai lao động trên tàu thuyền là 1.223 người, nhưng khi xét thì chỉ khoảng 900 người. Nguyên nhân do con số ban đầu bao gồm cả những đối tượng không thuộc diện được bồi thường như học sinh, người đi nước ngoài, người được hưởng lương… Hay với nhóm lao động giản đơn, ranh giới giữa làm hay không làm, làm nhiều hay làm ít cũng được nhận bồi thường như nhau, thì xác minh như thế nào cho rõ ràng để người dân không thắc mắc là vô cùng khó.

Ông Lê Đức Nhân, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Tĩnh cho biết, Chính phủ đã chuyển tiền bồi thường của Formosa cho Hà Tĩnh đợt 1 là 1.000 tỷ đồng. Đến thời điểm này, công tác kiểm đếm, kê khai, áp giá cơ bản đã hoàn thành và đã giải ngân được 650 tỷ đồng. Theo yêu cầu của Chính phủ phải nhanh chóng giải ngân trước Tết hết số tiền còn lại, để tạo điều kiện cho bà con ổn định và ăn Tết vui vẻ.

“Nhiều người bị kích động, xúi giục đi đòi nơi này nơi kia gây mất an ninh trật tự tại địa phương. Nguyên nhân cũng do họ bị thiệt hại quá lớn, không có việc làm và thu nhập, nhiều văn bản chỉ đạo chồng chéo, cán bộ chỉ đạo lúng túng khiến dân chưa hiểu” – ông Lê Văn Luyện cho biết thêm.

Kỳ Hà có 5 thôn với hơn 6.000 người bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường. Người dân chủ yếu sống bằng nghề làm muối, đánh bắt và nuôi trồng thủy sản. Sau sự cố, người dân được hỗ trợ gạo ăn trong 6 tháng. Người dân của 2/5 thôn tương đối đồng thuận và cơ bản đã nhận tiền bồi thường (22 tỷ đồng). Đối với 3 thôn còn lại, cùng số “vét” của 2 thôn trước, xã đã niêm yết danh sách bồi thường trên 35 tỷ đồng. Trong tuần này sẽ trình hồ sơ tỉnh xét duyệt.

“Chúng tôi muốn người dân đồng thuận, cùng phối hợp để kê khai, bởi chỉ có dân mới phát giác được những trường hợp gian lận. Nếu đền bù nhầm đối tượng, chúng tôi sẽ có tội với Chính phủ, với dân” – ông Lê Văn Luyện chia sẻ.

UBND tỉnh Hà Tĩnh cho biết, do áp lực quá lớn từ người dân, rất nhiều Trưởng thôn (Kỳ Lợi, Kỳ Ninh, Kỳ Trinh-TX Kỳ Anh) đã xin nghỉ hoặc trốn tránh hợp tác với xã trong xác định đối tượng, gây khó khăn cho thực hiện các bước trong kê khai, xác định đối tượng thiệt hại.

Liệu có giải ngân xong trước Tết Nguyên đán?

Ông Lê Đức Nhân, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Tĩnh cho biết, Chính phủ đã chuyển tiền bồi thường của Formosa cho Hà Tĩnh đợt 1 là 1.000 tỷ đồng. Đến thời điểm này, công tác kiểm đếm, kê khai, áp giá cơ bản đã hoàn thành và đã giải ngân được 650 tỷ đồng. Theo yêu cầu của Chính phủ phải nhanh chóng giải ngân trước Tết hết số tiền còn lại, để tạo điều kiện cho bà con ổn định và ăn Tết vui vẻ.

Theo ông Lê Đức Nhân, sau khi sự cố môi trường xảy ra, chính quyền địa phương đã rất quyết liệt trong việc ổn định đời sống của ngư dân, đặc biệt ở những vùng chịu thiệt hại nặng nề. Tỉnh đã chủ động hỗ trợ khẩn cấp cho ngư dân như tiền, gạo bằng kinh phí của địa phương; hỗ trợ, bù tiền điện, lãi suất ngân hàng, bảo hiểm cho tàu, người lao động trên tàu, đóng mới, cải hoán tàu đánh bắt xa bờ, xây dựng các điểm bán hàng an toàn…. Những chính sách này có tác dụng rất lớn trong việc ổn định đời sống cho bà con, nhất là sớm khôi phục sản xuất.

Sau sự cố Formosa, anh Trần Xuân Hoa ở xã Kỳ Hà vẫn tự tin đóng mới tàu to hơn để đi biển. 

“Ngành nông nghiệp cũng đã chỉ đạo địa phương, cơ sở, đặc biệt là những doanh nghiệp bị thiệt hại nặng nề các phương án, kỹ thuật sản xuất, các điều kiện hỗ trợ để sớm đi vào sản xuất, ổn định. Đó là các cơ sở khai thác trên biển, nuôi trồng, chế biến…Đồng thời cử hàng trăm cán bộ công nhân viên xuống cơ sở hướng dẫn trực tiếp cho bà con. Đến nay cơ bản đã dần đi vào sản xuất ổn định” – ông Lê Đức Nhân nói.

Về chi trả bồi thường, theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Tĩnh, về cơ bản bà con ngư dân đồng thuận với phương án đền bù. Từ nay đến Tết Nguyên đán, chính quyền địa phương đang quyết liệt làm các thủ tục chi trả, giúp bà con sớm ổn định đời sống, mua sắm trang thiết bị phục vụ sản xuất và ăn Tết.

Ông Lê Đức Nhân cho biết: “Việc bồi thường cho 48.000 người trong 7 nhóm đối tượng bị thiệt hại phải theo đúng quy trình, không có tiền lệ. Ban đầu là phát phiếu điều tra, họp cộng đồng thôn xóm; sau đó đến thẩm định, phê duyệt ở huyện, tỉnh. Công việc này đòi hỏi phải có thời gian, trong khi yêu cầu khẩn trương nhưng phải chính xác, cho nên Ban chỉ đạo của tỉnh đã rất quyết liệt. Đến thời điểm này mọi việc cũng đã cơ bản. Trong 4 tỉnh bị thiệt hại, có thể nói Hà Tĩnh làm nhanh nhất. Từ nay đến Tết Âm lịch, chúng tôi đẩy nhanh tiến độ, cố gắng để chi trả hết số tiền còn lại”.

Bên cạnh hướng dẫn của Trung ương, Hà Tĩnh đã ra những hướng dẫn quy trình cụ thể. Theo đó từ thôn, xóm, đến tỉnh triển khai theo cách làm chặt chẽ, công khai. Người dân ở thôn xóm tự bình xét, xác nhận; đến hội đồng thẩm định, ban chỉ đạo của xã theo quy chế niêm yết công khai một thời gian nhất định. Khi dân đồng thuận sẽ chuyển lên ban bồi thường của huyện, đảm bảo khách quan, trung thực, công bằng trong nhóm đối tượng chính phủ phê duyệt./.

Có khá nhiều đối tượng thực tế có thiệt hại nhưng chưa nằm trong diện được kê khai hoặc đã được kê khai thiệt hại nhưng mức bồi thường được xác định thấp hơn so với thiệt hại thực tế; một số đối tượng còn thắc mắc về định mức bồi thường… nên đã gây khó khăn cho công tác kê khai, chi trả tiền bồi thường ở cơ sở (số đối tượng này, UBND tỉnh đã chỉ đạo rà soát, đề nghị Trung ương xem xét, bổ sung).