Huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng, được biết đến với các di tích lịch sử: hang Pác Bó, lán Khuổi Nặm, núi Các Mác, suối Lênin. Ngày nay, mảnh đất này đã khoác lên mình tấm áo mới với nét trù phú, ấm no.
Cuộc thử nghiệm với "3 cây, 1 con"
Là một huyện miền núi, những năm trước đây do việc lựa chọn cây trồng, vật nuôi chưa phù hợp, cùng với tập quán canh tác manh mún, lạc hậu đã dẫn đến đời sống của bà con gặp nhiều khó khăn, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt thấp. Trăn trở và quyết tâm tìm hướng thoát nghèo cho người dân, Đảng uỷ, UBND huyện Hà Quảng đã nhận định: Chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hoá là bước đi có thể thoát nghèo. Cây ngô, cây lạc, cây thuốc lá và con bò, “3 cây, 1 con” này đã được lựa chọn là thế mạnh để triển khai cho từng địa phương. Các xã vùng cao, núi đá, vùng Lục Khu không chủ động được nước tưới, thì tập trung chủ yếu diện tích cho trồng cây ngô, chăn nuôi bò và trồng thêm cây lạc L14, đây là giống ngắn ngày có sức chịu hạn tốt. Các xã ở vùng thấp hơn như Đào Ngạn, Phù Ngọc và thị trấn Xuân Hoà... có truyền thống trồng cây thuốc lá, nay tiếp tục đầu tư để tăng diện tích và nâng cao chất lượng sản phẩm.
Bà Hoàng Thị Giếng, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Hà Quảng cho biết: “Với lối canh tác cũ của người dân, việc hình thành tư duy sản xuất hàng hoá là một trong những vấn đề gặp nhiều khó khăn”. Để việc áp dụng mô hình “3 cây, 1 con” đạt được hiệu quả cao, Đảng uỷ, UBND huyện đã tích cực chỉ đạo và vận động nhân dân đưa khoa học kỹ thuật vào áp dụng trên đồng ruộng. Mặt khác chủ động tìm các chương trình, dự án và nguồn vốn hỗ trợ để người dân được tiếp cận với các kênh cho vay ưu đãi, chuyển giao khoa học kỹ thuật, hỗ trợ giống, phân bón...
Bên cạnh đó, việc tìm đầu ra cho các sản phẩm của địa phương cũng đã được UBND huyện quan tâm chỉ đạo sâu sát. Cây ngô, cây lạc L14, thuốc lá, huyện đã ký hợp đồng với Công ty cổ phần Giống cây trồng Cao Bằng và Viện Kinh tế - Kỹ thuật thuốc lá để bao tiêu sản phẩm và hỗ trợ về khoa học kỹ thuật. Đối với bò thịt, có thị trường ổn định vì nhu cầu thị trường tại huyện, trong và ngoài tỉnh tương đối lớn. Đặc biệt từ đầu năm 2009, huyện đã giới thiệu và kí hợp đồng cung cấp thịt bò của địa phương tại hệ thống siêu thị Big C, Hà Nội và các thành phố khác, đây là thị trường có sức tiêu thụ lớn và ổn định, đã mở ra một triển vọng rất lớn cho người nuôi bò ở Hà Quảng hiện nay.
Hiệu quả được khẳng định
Sự triển khai đồng bộ của mô hình “3 cây, 1 con” theo hướng đi mới ở Hà Quảng, bước đầu đã thu được những kết quả rất khả quan. Năm 2006, mới chỉ có 6 xã trồng giống ngô mới, 6 xã trồng cây lạc L14, 7 xã trồng thuốc lá với tổng diện tích gần 700ha và đàn bò thịt mới chỉ trên 7.000 con. Đến vụ đông xuân năm 2009, huyện đã có 11 xã trồng ngô hàng hoá, với diện tích 3.376 ha, năng suất đạt 35 tạ/ha, sản lượng đạt trên 9.500 tấn. Cây lạc L14 có 14 xã trồng với diện tích trên 200ha, năng suất đạt 20 tạ/ha, sản lượng đạt 1.000 tấn. Cây thuốc lá có 8 xã trồng với diện tích trên 564 ha, năng suất đạt 20 tạ/ha, sản lượng 1.137 tấn. Đàn bò thịt của huyện đã tăng lên trên 15.000 con, số lượng bán ra năm 2008 là trên 5.000 con. Tổng số tiền thu nhập từ “3 cây, 1 con” của nông dân huyện Hà Quảng chỉ tính riêng năm 2008 là trên 50 tỉ đồng, góp phần tăng giá trị sản xuất nông nghiệp bình quân của huyện đạt trên 10 triệu đồng/ha.
Đến với các xã vùng cao núi đá: Thượng Thôn, Hạ Thôn, Tổng Cọt, Trường Hà..., chúng tôi cảm nhận rất rõ niềm vui, sự phấn khởi của bà con khi nói về những loại cây, con giống mới, là “bảo bối” đã góp phần thay đổi cuộc sống mỗi gia đình trong thời gian vừa qua. Ông Nông Văn Xiển ở xã Tổng Cọt nói: “Chúng tôi không còn sợ đói nữa, nhà nào cũng có mấy tấn ngô, lạc làm của ăn, của để”. Ông Bùi Sá Đương, Phó Chủ tịch UBND xã Đào Ngạn phấn khởi nói: “Theo chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi của UBND huyện, hơn 3 năm qua, cây thuốc lá không chỉ trở thành cây xoá đói giảm nghèo mà còn là cây làm giàu cho bà con trong toàn xã Đào Ngạn. Vụ thuốc lá năm nay, có nhiều hộ thu nhập từ 40 - 60 triệu đồng…”./.